Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, nếu nội dung mà Báo Người Lao Động phản ánh đúng sự thật thì đây là vấn đề rất nghiêm trọng nên Thường trực UBND TP sẽ xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức sai phạm.
Không nên trợ giá đại trà
Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cho biết lúc còn làm lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách, đã nghe việc các HTX có tiêu cực trong sử dụng kinh phí trợ giá. “Phải nói rằng chủ trương trợ giá xe buýt của UBND TP là hợp lý nhưng vấn đề chính là các bộ phận kiểm soát của Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng (trung tâm) cũng như các HTX thiếu sự kiểm tra chéo, kiểm tra thường xuyên để phát hiện tiêu cực. Tôi mong muốn UBND TP xử lý nghiêm, nếu vi phạm nghiêm trọng phải xử lý hình sự vì đây là hành động bòn rút, bớt xén tiền của nhà nước, của nhân dân” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, việc trợ giá cho hoạt động đưa rước học sinh chỉ nên áp dụng tại khu vực ngoại thành vì ở đây, việc đi lại của học sinh khó khăn, phụ huynh đưa đón không thuận tiện. Không nên “ôm” cả các quận nội thành mà phải thực hiện chủ trương xã hội hóa theo kiểu vận động phụ huynh và nhà trường cùng tham gia.
“Chủ trương TP trợ giá cho xe buýt là không bỏ nhưng tới đây, HĐND TP nên xem xét cách thức trợ giá cho đối tượng nào, kinh phí bao nhiêu để đem lại hiệu quả, hạn chế thất thoát ngân sách nhà nước” - ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, đề xuất: “Hằng năm, ngân sách trợ giá cho xe buýt lên đến hơn ngàn tỉ đồng, trong đó có trợ giá cho xe buýt đưa rước học sinh nên việc sử dụng tiền trợ giá phải đúng và có hiệu quả. Nếu những tập thể, cá nhân nào để xảy ra thất thoát tiền của ngân sách thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và buộc thu hồi”.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nguyên nhân chính của hiện tượng lãng phí, tiêu cực này là do ngành Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn áp dụng cơ chế trợ giá theo kiểu bao cấp, hằng năm ngân sách TP phải bỏ ra cả ngàn tỉ đồng (năm 2013: 1.400 tỉ đồng) cho trợ giá xe buýt. Việc trợ giá lại tiến hành theo kiểu phân bổ giao kế hoạch, không căn cứ trên nhu cầu thực tế, tiếp tục cơ chế xin - cho, thiếu kiểm soát chặt chẽ, thiếu minh bạch và không theo quy luật thị trường. Muốn được suôn sẻ trợ giá, ngay từ ban đầu đã phát sinh nhiều thủ tục, nhiều phí và “cò”.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch vận chuyển, để thanh toán được khoản trợ giá, tiếp tục xảy ra hàng loạt vi phạm. Chưa kể, cách quản lý điều hành của trung tâm quá thủ công và buông lỏng cộng thêm tâm lý và thói quen gian dối muốn xà xẻo tiền nhà nước của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
“Đã đến lúc bỏ kiểu trợ giá xe buýt bao cấp như hiện nay, thay vào đó là đấu thầu công khai. Việc trợ giá (nếu có) nên trả trực tiếp cho các đối tượng hành khách hưởng lợi hoặc nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng đường sá, bến bãi cho xe buýt; chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải thông qua các cơ chế ưu đãi như vay lãi suất thấp, hưởng phí quảng cáo...” - TS Sanh nhấn mạnh.
Thanh tra thêm để làm rõ
Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP HCM, đặt vấn đề: HTX tự ý hợp thức hóa hồ sơ thanh toán tiền trợ giá... nhưng Thanh tra Sở GTVT lại cho rằng không có căn cứ xác định thất thoát trợ giá nhà nước và đề xuất “tổ chức kiểm điểm, có biện pháp xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm”, “chấm dứt hợp đồng đặt hàng với HTX Thành Long từ ngày 1-1-2014” thì liệu có quá nhẹ?
Theo ông, các số liệu được chỉ ra trong kết luận của Thanh tra Sở GTVT đi ngược lại hoàn toàn với ý kiến trên. Cụ thể, Thanh tra Sở GTVT thừa nhận HTX Thành Long đã tự ý hợp thức hóa hồ sơ để mỗi xe sẽ được hưởng tiền trợ giá nhà nước là 4 lượt/ngày/học sinh.
Bên cạnh đó, theo số liệu trong bản kết luận, HTX Thành Long đảm nhiệm hoạt động đưa rước học sinh có trợ giá của 81 trường. Số lượng học sinh đăng ký đi xe buýt của mỗi trường là khoảng 200 em. Mức trợ giá trên địa bàn TP là 2.830 đồng/học sinh/lượt, riêng huyện Cần Giờ là 3.537 đồng/học sinh/lượt. Như vậy, mức trợ giá nhà nước phải trả cho HTX trong thời gian từ năm 2012 đến tháng 12- 2013 là một con số không hề nhỏ.
Luật sư Hải cho rằng do bản kết luận thanh tra nêu chưa rõ ràng nên cần phải mở thêm cuộc thanh tra khác để làm rõ hơn nữa các sai phạm, từ đó có cơ sở xác định sự thất thoát tiền nhà nước.
“Nếu kết luận cho rằng các bên liên quan chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định thì bên cạnh việc cắt hợp đồng, HTX Thành Long còn có trách nhiệm bồi thường lại số tiền đã thất thoát. Riêng trung tâm, ở đây là người đứng đầu đơn vị quản lý, cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra thất thoát tiền từ ngân sách nhà nước như nêu trên” - luật sư Hải nói.
Chấn chỉnh thế nào?
Tại cuộc họp báo ngày 13-6 do Sở GTVT tổ chức, nhiều câu hỏi được các phóng viên đặt ra như “HTX Thành Long đã tự kê khống số lượt học sinh để hưởng trợ giá, vậy có thất thoát tiền nhà nước hay không?”, “Nếu thất thoát, những đơn vị nào chịu trách nhiệm?".
Ông Lê Hải Phong, giám đốc trung tâm, thừa nhận có thực trạng nhà trường, HTX kê khai số lượng học sinh không đúng thực tế, thậm chí kê khai khống để nhận tiền trợ giá. Trung tâm đã buộc tất cả phương tiện phải gắn thiết bị giám sát hành trình nhằm quản lý số chuyến; dán logo để người dân nhận diện, giám sát.
Ngoài ra, trung tâm cũng ban hành quy định về quy trình đối chiếu số liệu và thanh quyết toán tiền trợ giá nhằm bảo đảm tính chính xác. Việc quản lý xe đưa rước học sinh hiện nay không chỉ có nhà trường, HTX mà còn phòng giáo dục - đào tạo ở địa phương tham gia và chịu trách nhiệm với số lượng học sinh đăng ký đi xe đưa rước.
Với các biện pháp trên, ông Phong cho rằng việc quản lý hoạt động này sẽ dễ dàng. “Về lâu dài, Sở GTVT và các quận, huyện sẽ ký kết quy chế phối hợp quản lý phương tiện này để tăng tính trách nhiệm giữa các bên” - ông Phong nói.
Bình luận (0)