Mặt khác, 3 người này bị ảnh hưởng bởi các diễn đàn mạng phản động, những thông tin trái chiều về tình hình thay đổi nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà Nước; đồng thời muốn tỏ ra là người thạo tin nên đã tung tin đồn gây sự chú ý trên các diễn đàn mạng. Hành vi của các đối tượng kể trên đã gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ thời điểm bấy giờ.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, cơ quan điều tra không khởi tố bị can các đối tượng này mà chỉ xem xét xử phạt hành chính. Hình thức phạt và mức phạt thì vẫn đang phối hợp với các cơ quan liên quan xác định và thực hiện.
Tin đồn này xuất hiện từ sáng 21-2. Đầu tiên, có tin một quan chức ngân hàng bị bắt, sau đó là giám đốc một chi nhánh của BIDV, một phó tổng giám đốc, rồi tổng giám đốc và cuối cùng nói đích danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV Trần Bắc Hà.
Thị trường tài chính, tiền tệ thời điểm bấy giờ đã bị ảnh hưởng xấu. Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh như VnIndex giảm 18 điểm, tương đương 3,36%; còn HNX Index giảm 3,35 điểm, tương đương -5,3%. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỉ đồng trong chỉ 1 phiên giao dịch.
Tỉ giá VND/ USD trên thị trường tiền tệ trong nước hôm đó cũng đã có diễn biến bất thường. Không chỉ vậy, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngân hàng BIDV, xúc phạm nhân phẩm, uy tín và danh dự của ông Trần Bắc Hà.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 21-2, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đã mạnh mẽ bác bỏ tin đồn bị bắt. Theo ông Hà, "quả bom tin bẩn" này đã tác động đến thị trường chứng khoán, vàng và tỉ giá. Theo thông tin ông Hà nắm được, người dân đã mất 500-700 tỉ đồng.
Ngay sau khi tin đồn này được phủ nhận, thị trường chứng khoán đã khôi phục được một nửa số điểm ngay phiên giao dịch ngày hôm sau (22-2).
Sáng 22-2, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh cho phóng viên Báo Người Lao Động biết đã lập ban chuyên án để điều tra nguồn gốc của thông tin bịa đặt lãnh đạo BIDV bị bắt.
Bình luận (0)