Thật ra, việc giết hại, mua bán động vật hoang dã đã và đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Thậm chí, nhiều người được giao trọng trách ngăn chặn cũng vô tư sát hại thú. Vài năm trước, một cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam chụp hình con chồn bay bị giết thịt để khoe “chiến tích” trên mạng xã hội. Hay gần đây là vụ xe của chi cục kiểm lâm một tỉnh miền Trung chở nhiều động vật hoang dã đi bán bị phát hiện...
Từ những câu chuyện không có gì là hay ho kể trên, nếu không muốn nói là quá xấu xí, chợt nhớ đến ông Tilo Nadler, “cha đẻ” của Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng Việt Nam. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, từ nước Đức xa xôi, ông Tilo Nadler đã bỏ lại vợ con, gia đình và sang Việt Nam, tình nguyện ở lại để bảo vệ những loài thú quý hiếm của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ông xả thân như một hiệp sĩ vì sự bình yên của động vật hoang dã.
Cũng tấm lòng nhân hậu như Tilo Nadler, ông Sylvio Lamarche, một kỹ sư nông nghiệp người Canada, đã có gần 20 năm gắn bó với núi rừng Hòn Hèo (tỉnh Khánh Hòa) chỉ để làm mỗi việc là bảo vệ đàn voọc chà vá chân đen hiếm hoi còn sót lại ở vùng thâm sơn cùng cốc này.
Sừng tê giác, cao hổ cốt, mật gấu… là những món quà quý để những kẻ thừa tiền nhưng thiếu ý thức bảo vệ thiên nhiên tặng nhau. Những kẻ này có biết rằng khi vung tiền để sở hữu các món quà quý đó như một cách chứng minh đẳng cấp của mình, họ đã hành xử kém văn hóa? Trong khi những người nước ngoài muốn cứu những con vật tội nghiệp thì chính một số ít người Việt Nam chúng ta lại vô tâm tận diệt. Còn hành động nào xấu hổ hơn?
Hơn chục năm trước, Việt Nam thu hút sự chú ý của thế giới khi phát hiện quần thể tê giác một sừng cư ngụ tại rừng Nam Cát Tiên. Nhưng đến năm 2011, con tê giác cuối cùng ở đây bị bắn hạ. Rồi những con voi rừng ở Đồng Nai, voọc chà vá chân đen ở Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận… bị giết thịt, phanh thây… Quả là quá xót xa!
Ai cũng muốn sống bình yên nhưng không ít người lại chẳng quan tâm đến sinh mạng của các loài vật. Người ta sợ một ngày Trái đất không còn sự sống nhưng lại vô tâm tàn sát sự sống. Rừng bị đốn hạ, thú bị truy cùng diệt tận và đương nhiên, thiên tai cũng ngày càng dữ dội, khốc liệt hơn như một sự báo ứng đối với lối sống vô độ của con người, vốn được xem là động vật tiên tiến nhất trên hành tinh này.
Hãy từ chối các dĩa thịt thú rừng, hãy nói không với những món cao động vật hoang dã quý hiếm để khỏi xấu hổ về cách hành xử thiếu văn hóa, vô trách nhiệm với nhân loại, với thiên nhiên!
Bình luận (0)