Trong 2 ngày 31-7 và 1-8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) đã làm việc với tỉnh Đồng Nai xung quanh công tác giải tỏa, bồi thường, tái định cư (TĐC) của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Sử dụng vốn như thế nào?
Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của QH do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, làm trưởng đoàn đã có buổi thực tế tại khu vực dự án, khu vực TĐC Lộc An - Bình Sơn. Tại các cuộc làm việc, đoàn đã đưa ra nhiều vấn đề còn bất cập hoặc vướng mắc, cả trên bình diện chung cũng như các tiểu tiết trong các bước chuẩn bị nghiên cứu báo cáo tiền khả thi nhằm hỗ trợ, ghi nhận và giám sát các công đoạn thực hiện thủ tục giải tỏa, đền bù TĐC của dự án.
Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các ban, ngành đi thực tế tại khu vực dự án sân bay Long Thành
Đoàn công tác đề nghị tỉnh Đồng Nai làm rõ chi tiết cụ thể tổng nguồn vốn 23.000 tỉ đồng chi cho các bước cụ thể ra sao? Trước đây, dự kiến tổng vốn cho việc giải tỏa, bồi thường, TĐC trong kế hoạch sẽ chi 5.000 tỉ đồng từ ngân sách, nay đội lên con số rất lớn nên sẽ không biết lấy từ đâu.
Một vấn đề khác mà đoàn công tác quan tâm là thời gian qua, khi dự án bắt đầu khởi động công đoạn giải tỏa, đền bù, TĐC, tình trạng mua bán đất, giá đất khu vực được thổi lên thành cơn sốt ảo. Đoàn công tác của QH đề nghị tỉnh Đồng Nai cần có biện pháp kiểm soát để không ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án.
Ngoài ra, một vấn đề nhạy cảm là các thông tin quy hoạch nếu bị rò rỉ sẽ tạo nên tình trạng mất kiểm soát. Bên cạnh đó, vì đây là dự án quy mô rất lớn nên không để xảy ra tình trạng cán bộ nắm rõ hoặc tiết lộ thông tin quy hoạch rồi trục lợi.
Theo đánh giá từ Bộ Giao thông Vận tải, tiến độ thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi của tỉnh Đồng Nai còn chậm so với yêu cầu của QH. Nguyên nhân là do một số vấn đề liên quan đến trình tự pháp lý khiến phải chờ đợi ở cả địa phương và trung ương.
"Chúng tôi chia sẻ khó khăn và sự nỗ lực của tỉnh Đồng Nai vì đây là dự án đặc thù, nhiều công tác chưa có tiền lệ nên phải nghiên cứu một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai cần làm nhanh hơn để bảo đảm tiến độ của dự án" - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Bảo đảm quyền lợicủa người dân
Một trong những vấn đề cấp thiết nhất khi di dời dân để thực hiện dự án sân bay Long Thành là sắp xếp việc làm cho người dân. Tại những cuộc làm việc của các đoàn công tác của Chính phủ, QH về dự án từ trước đến nay, các tầng lớp dân cư đều được mời tham dự. Nhiều người dân bày tỏ ủng hộ dự án nhưng đều thể hiện sự lo lắng khi phải đối diện với việc giải tỏa, bồi thường, TĐC.
Ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, phân tích khi được TĐC, với lớp người trẻ thì có thể vào làm việc ở các công ty tại những KCN lân cận. Tuy nhiên, nếu ngoài độ tuổi tuyển dụng thì sẽ có nhiều khó khăn về việc làm. Đặc biệt, hầu hết người dân trong vùng đều làm nông, sống bám ruộng vườn nên khi TĐC sẽ khó hòa nhập.
Lắng nghe các ý kiến từ đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của QH, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh đặc biệt quan tâm vấn đề lợi ích, quyền lợi của người dân khi thực hiện kế hoạch giải tỏa, đền bù, TĐC. UBND tỉnh Đồng Nai đang gấp rút hoàn thiện quy hoạch tổng thể 21.000 ha vùng phụ cận dự án, đồng thời có biện pháp kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý đất đai và tình trạng phân lô, bán đất ảo gây lộn xộn trên địa bàn. Trên diện tích 5.600 ha giải tỏa trắng với hơn 15.500 nhân khẩu thuộc hơn 4.800 hộ dân phải di dời, UBND tỉnh Đồng Nai phải có trách nhiệm về vấn đề bồi thường, TĐC, tạo công ăn việc làm và cả các vấn đề an sinh xã hội, người dân được TĐC phải có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi cũ.
"Tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành nhiều công việc như thành lập tổ công tác xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi; tổ thư ký giúp việc gồm các lãnh đạo sở, ngành liên quan và UBND huyện Long Thành; hiện đã xây dựng đề cương báo cáo nghiên cứu khả thi và điều tra, cập nhật bổ sung thông tin vùng dự án" - ông Vĩnh thông tin.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh đồng ý với việc để có thể trình QH thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi vào cuối năm thì tỉnh Đồng Nai cần gấp rút triển khai hoàn thành các bước thực hiện và trình Chính phủ vào cuối tháng 8-2017.
Hướng về TP HCM
Các đơn vị quy hoạch đều khẳng định hướng phát triển chính về hệ thống giao thông phục vụ sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ hướng về TP HCM; ngoài ra là các hướng về TP Biên Hòa (Đồng Nai) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo tính toán, có đến 70% lượt khách sử dụng sân bay Long Thành đi về hướng TP HCM và ngược lại.
"Việc các tuyến giao thông kết nối vào sân bay Long Thành được quan tâm và bảo đảm theo quy hoạch ngay từ đầu sẽ có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với mạng lưới giao thông chung cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" - ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, khẳng định.
Bình luận (0)