* Phóng viên: Hiện vấn đề thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang có nhiều phản đối từ phía người dân địa phương, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Cát Tiên và nhiều nhà khoa học. Quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (gọi chung là ủy ban) về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Ông Lê Quang Huy: Cho đến thời điểm này, ủy ban chưa có báo cáo hay thông tin chính thức về hai dự án thủy điện này. Tuy nhiên, ủy ban cũng đã bàn đến hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trong cuộc họp liên quan đến vấn đề thủy điện trong chương trình giám sát của Quốc hội.
Quốc hội không có ý kiến riêng cho từng công trình thủy điện có quy mô như Đồng Nai 6 và 6A nhưng chắc chắn hai dự án thủy điện này sẽ được đặt ra và xem xét, lồng ghép trong vấn đề kinh tế - xã hội, chương trình giám sát về thủy điện nói chung… Cũng phải nói thêm, hai công trình này cũng không nằm trong chương trình giám sát của Quốc hội hoặc ủy ban.
* Vậy chính quyền tỉnh, Bộ Công Thương hay chủ đầu tư sẽ phải giải trình việc này?
- Theo chức năng nhiệm vụ thì Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ, bộ chức năng (Bộ Công Thương – PV) báo cáo về việc này.
Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện 6A.Ảnh: THU SƯƠNG
* Trước sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận về hai dự án thủy điện này, Quốc hội sẽ phải có ý kiến chính thức, đồng thời xem xét làm rõ và yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo?
- Đúng vậy. Đối với các vấn đề mà dư luận lên tiếng thì thường trực ủy ban sẽ phải đặt lên bàn để ủy ban xác minh, làm rõ và có ý kiến. Tuy nhiên, không ngay lập tức có phản ứng mà phải tìm hiểu, xác minh làm rõ rồi mới có hành động cụ thể.
* Như vậy, trong thời gian ngắn sắp tới, hai dự án thủy điện này sẽ được đem ra “mổ xẻ” trong một chương trình giám sát thủy điện?
- Chắc chắn là có. Phải xin nói thêm là Quốc hội khóa XII đã có chương trình giám sát riêng của Quốc hội về thủy điện miền Trung. Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên hiện mới dừng lại ở khu vực này và trong tương lai, Quốc hội khóa XIII sẽ tiến hành các khu vực khác.
* Chương trình giám sát Quốc hội về thủy điện ở miền Trung, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương cắt bỏ nhiều dự án thủy điện. Việc giám sát này có cần thiết đặt ra đối với thủy điện 6 và 6A?
- Đã có động thái từ phía địa phương sau đợt giám sát như việc điều chỉnh, cam kết cắt giảm thủy điện. Vì vậy, ủy ban có thể đề xuất Quốc hội cho tiến hành một cuộc giám sát ở khu vực khác, trong đó có một số khu vực ở Đồng Nai. Luật quy định rõ quyền hạn này.
* Hệ thống sông Đồng Nai có dày đặc trên 20 công trình thủy điện lớn đã và đang xây dựng, nay lại thêm hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ủy ban có thể đề xuất Quốc hội có yêu cầu dừng hẳn dự án ?
- Như tôi đã nói, khi đặt ra một cuộc giám sát để làm rõ mục đích thì ủy ban hoàn toàn có đủ quyền hạn xác định từng đối tượng thủy điện. Lấy ví dụ trường hợp thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được dư luận, báo chí phản ánh, thường trực ủy ban nhận thấy cần thiết sẽ phải có hành động theo chức trách, quyền hạn của mình.
Tỉnh Đồng Nai bị... bỏ quên! Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai vừa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường trước ngày 15-10 phải mời các nhà khoa học để tổ chức hội thảo khoa học đánh giá tác động tiêu cực của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt là sự tác động đến môi trường sinh thái của khu dự trữ sinh quyển thế giới trên địa bàn tỉnh (rừng Nam Cát Tiên) và vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư 2 dự án thủy điện trên không thật sự quan tâm việc dự án nếu được triển khai sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cả vùng rộng lớn. Trong quá trình xem xét, khảo sát, nghiên cứu, thẩm định... 2 dự án thủy điện, UBND tỉnh Đồng Nai không được lấy ý kiến.
X.Hoàng |
Bình luận (0)