xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xayaburi và trách nhiệm xã hội

TS Tô Văn Trường

(NLĐO)- Hôm nay, 19-4, tại Vientiane - Lào, Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) họp bàn và ra phán quyết cuối cùng về việc Lào đề nghị xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mê Kông với sự hỗ trợ của một số tập đoàn kinh tế của Thái Lan.

Trong thời gian vừa qua, trên công luận, nhiều tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động về môi trường bày tỏ sự bức xúc, quan ngại về  “lợi bất cập hại” của việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi. Việc phía Lào vẫn cho tổ chức xúc tiến làm đường, lán trại, đền bù di chuyển người dân ở khu vực đập Xayaburi trước phiên họp của MRC phần nào thể hiện thái độ cương quyết, bất chấp ý kiến của công luận và tham vấn ý kiến của các nước thành viên trong MRC.
img
Du khách chèo xuồng trên dòng Mê Kông

Quan điểm chưa thống nhất

Nhìn lại lịch sử của tổ chức sông Mê Kông, dễ nhận thấy đã trải  qua nhiều thăng trầm do thời cuộc. Năm 1957, Liên Hiệp Quốc thành lập Ủy ban sông Mê Kông; đến năm 1978, thành lập Ủy ban lâm thời Mê Kông (giai đoạn hoạt động rất hạn chế vai trò của tổ chức Mê Kông). Ngày 5-4-1995, tại Chiang Rai - Thái Lan, 4 quốc gia ven sông là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã thỏa thuận ký kết Hiệp định hợp tác Mê Kông (MRC). Hiệp định MRC không còn quyền phủ quyết dự án của các nước thành viên. Tuy nhiên, theo Quy chế Thông báo Tham vấn và Thỏa thuận trước (PNPCA), vẫn có nguyên tắc cần tham vấn có sự đồng thuận của các nước đối với dự án phát triển trên dòng chính sông Mê Kông.

Dù chưa có kết quả phiên họp bất thường của MRC nhưng chúng tôi có thể dự đoán quan điểm của Việt Nam là đề nghị hoãn việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi trong 10 năm để có điều kiện thu thập tài liệu cơ bản, nghiên cứu đầy đủ các tác động tích lũy xuyên biên giới, tham vấn cộng đồng… Quan điểm của Việt Nam nhiều khả năng được phía Campuchia ủng hộ nhưng có mức độ vì trong hệ thống  12  bậc thang thủy điện trên dòng chính ở hạ lưu sông Mê Kông có cả 2 đập thủy điện trên đất Campuchia là Sambor và Stung Treng.

Trách nhiệm chia sẻ

Người viết bài này, ngày 22-2-2011, trả lời phỏng vấn của Báo Tuổi Trẻ dưới tựa đề “Đập thủy điện Xayaburi ảnh hưởng lớn đến Việt Nam” và ngày 14-3 viết bài “Xayaburi dưới góc nhìn đa chiều và thực tế” đăng trên Vietnamnet và Tuan.vn.net đã đề cập đến những tác động hết sức bất lợi nếu đập Xayaburi được xây dựng. Trong bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh trách nhiệm xã hội. Đã từng có nhiều học giả tranh luận về quan điểm của nhà kinh tế Milton Friedman đoạt giải thưởng Nobel về quan điểm lợi ích kinh tế trong mọi hành động. Song về sau, khi phân tích sâu hơn, các học giả vẫn phân loại trách nhiệm xã hội thành ba loại đó là trách nhiệm xã hội về kinh tế ((economic social responsibility - SR), trách nhiệm xã hội về luật pháp (legal SR) và trách nhiệm xã hội về đạo đức (ethical SR). Thuyết các bên liên quan (stakeholder theory) cũng hướng mọi hành động của con người phải vì lợi ích của nhiều bên đóng góp vào chuỗi giá trị của xã hội chứ không phải chỉ hướng về lợi ích của nhà đầu tư hay một đất nước đầu tư vào đó.

Như vậy, chính cuộc sống dạy chúng ta phải cân nhắc 3 loại trách nhiệm xã hội khi mà nước Lào quyết thực hiện dự án thủy điện Xayaburi, trong khi tinh thần của Hiệp định Mê Kông là hợp tác với mục đích phát triển bền vững vì quyền lợi chung của cả lưu vực. Suy rộng ra, khi con người tác động vào tự nhiên không bao giờ được tất cả mà là sự đánh đổi được - mất (trade off). Nếu chiến lược phát triển dài hạn trong cả khu vực được nhiều hơn mất trên cơ sở chứng minh bằng các luận chứng phân tích khoa học bài bản, công khai, sòng phẳng, đánh giá được định lượng theo tiêu chuẩn quốc tế  thì Việt Nam dù có bị thiệt thòi do địa lý nằm ở hạ lưu vực cũng dễ chấp nhận hơn. Đấy chính  là quan điểm đạo đức chia sẻ (ethics of care) mà nhiều học giả trên thế giới đang hướng đến. Nhìn nhận, đánh giá về đập thủy điện Xayaburi cũng không thể ra ngoài quy luật nói trên.

Thêm nỗi lo từ Khong-Chi-Mun

Từ dự án Xayaburi, nhìn xa hơn, chúng ta nhận thấy cơ chế thủy động lực học của sông Mê Kông đang thay đổi không phải chỉ do riêng 4 đập thủy điện đã xây dựng ở thượng nguồn sông Mê Kông thuộc Vân Nam, Trung Quốc. Dựa theo phúc trình của UNEP/AIT và những dữ kiện xác thực hiện có những kế hoạch, dự án và đập thủy điện hoặc thủy nông đã, đang và sẽ thực hiện ở hạ lưu sông Mê Kông thuộc Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam  mới là những dự án đáng lo ngại vì nó có tiềm năng thay đổi cơ chế thủy học của sông Mê Kông và Đồng bằng sông Cửu Long một cách mạnh mẽ hơn và bất lợi hơn. Dự án đáng quan tâm nhất là dự án thủy nông Khong-Chi-Mun của Thái Lan. Nếu dự án này được thực hiện, Đồng bằng sông Cửu Long có thể mất đi khoảng 6,32 tỉ m3 nước mỗi năm, trong đó có khoảng 3,92 tỉ m3 (300 m3/giây) trong 5 tháng mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4).  Số lượng nước nầy đủ để canh tác khoảng 325.000 ha lúa, hay để ngăn chặn sự xâm nhập của nước mặn vào Đồng bằng sông Cửu Long vì nó chiếm khoảng 17% lưu lượng trong mùa khô của sông Tiền và sông Hậu (1.800 m3/giây).

Chủ động thích ứng

Chúng ta cũng không  quá kỳ vọng, trông chờ vào vai trò và  tầm ảnh hưởng của MRC đối với sự phát triển của mỗi quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông. MRC từ đầu năm 2011 đã chia làm 2 bộ phận: Vụ hỗ trợ kỹ thuật và Vụ thực hiện dự án chuyển về  làm việc ở Phnom Penh (Campuchia). Vụ kế hoạch, Vụ môi trường,  Ban hành chính tài vụ, Ban phát triển nguồn nhân lực,  Ban thông tin hợp tác quốc tế và văn phòng CEO ở lại Vientiane. Việc chia tách này làm cho kinh phí hoạt động của MRC tốn kém hơn, đặc biệt về tổ chức của MRC yếu đi về thực lực trong quản trị và tiếng nói trước cộng đồng quốc tế.
Thương thảo về đập thủy điện Xayaburi, trước mắt là nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam. Các nhà khoa học Việt Nam cần  nghiên cứu trên cơ sở phân tích hệ thống, đánh giá tác động môi trường kể cả đánh giá về tác động về xã hội, tác động về sức khỏe và tác động về kinh tế. Kết hợp với việc xác định dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu khi có và không có Xayaburi để làm đối chứng, bổ khuyết cho Đánh giá Môi trường chiến lược (SEA) của MRC.

Không có việc gì là không thể, bởi vậy khi thích hợp, cần thiết phải có tiếng nói ở cấp Chính phủ về dự án thủy điện Xayaburi. Đối với các  ngành chức năng, việc chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp  thích ứng, đối phó với các tác động từ thượng lưu vì cuộc sống của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết cả trước mắt và lâu dài. 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo