Bình quân hiện tại chỉ còn khoảng 20.000 hành khách/ngày đến bến, giảm khoảng 5% so với những năm trước. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp vận tải rút xe ra khỏi bến để hoạt động nơi khác. Trong đó, giảm mạnh nhất là những tuyến đi các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh, thành miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nha Trang, Đà Lạt...
Bến chật chội, ít khách
Có mặt tại Bến xe Miền Đông, theo ghi nhận của chúng tôi, phía trong bến trở nên chật chội, hầu hết các khu vực đậu xe đã kín chỗ. Mặc dù khu vực bến khá sạch sẽ nhưng bốc mùi khai và hôi thối. “Vào đây có khi bị sốc vì mùi hôi thối, ám ảnh đến mấy ngày sau” - một hành khách cho biết.
Theo một chủ xe chạy tuyến Bắc - Nam, thời gian gần đây, một số nhà xe bỏ bến ra ngoài hoạt động. Nguyên nhân vì Bến xe Miền Đông quá chật. “Có khi vào bến mất hết gần cả giờ nhưng vẫn không có chỗ để đậu xe vì chỗ nào cũng kín mít” - chủ nhà xe này nói.
Người này cho biết thêm hiện trong khu vực bến, các quán ăn uống chiếm một diện tích lớn của bến, bán với giá cao hơn so với bên ngoài đến 2 lần. Để kiểm tra thông tin của chủ xe này, chúng tôi ghé vào một gian hàng trong bến mua một chai nước suối với giá 15.000 đồng, trong khi đó giá ở ngoài chỉ 6.000 đồng.
Một hành khách khác ngồi cạnh chúng tôi gọi một tô bún với giá 30.000 đồng chỉ có vài miếng thịt và mấy sợi bún lèo tèo. “Đi vệ sinh trong khu vực bến xe cũng mất 3.000 đồng trong khi nhà vệ sinh thì hôi hám, không sao chịu nổi” - hành khách này nói.
Chủ một nhà xe khác chạy tuyến TP HCM - Phan Thiết cho biết giá thuê quầy bán vé ở đây từ 14-20 triệu đồng/tháng. Lệnh xuất bến gần 100.000 đồng/lần. Đối với các chủ xe thuê bến bán vé thì lấy theo hoa hồng... Mỗi chuyến xe phải bỏ ra một khoản tiền lớn trong khi khách đến bến mua vé ngày càng teo tóp, có khi chờ cả ngày mà không có khách nên phải ra bắt khách dọc đường để kiếm thêm ít tiền trả phí bến bãi.
“Giờ không còn như trước, khách vào bến để mua vé đi đã giảm từ 30%-40% nên các doanh nghiệp vận tải rất ngại đưa xe vào bến” - chủ xe này giải thích.
Có mặt tại Bến xe Miền Tây vào ngày cuối tuần, chúng tôi nhận thấy lượng khách về bến cũng thưa thớt. Khu vực trong bến, số lượng xe cũng rất ít ỏi. Trong khi đó, khu vực phía ngoài cổng, lượng xe bắt khách dọc đường lại đông. “Nếu bắt khách dọc đường chỉ chạy vài vòng là đầy khách, dại gì vào bến mất tiền lại tốn thời gian” - một chủ xe chạy tuyến Cần Thơ cho biết.
50 trụ điểm đón trả khách trá hình
Không những ở bến xe Miền Đông, Miền Tây mà Bến xe Ngã tư Ga, Bến xe Lam Hồng thời gian gần đây, lượng xe vào bến cũng giảm hẳn. Trong khi đó, theo đại diện Bến xe Miền Đông, hiện khu vực xung quanh bến này có khoảng 50 điểm đón trả khách của các hãng xe hoạt động trá hình, núp dưới danh nghĩa xe chạy hợp đồng, xe du lịch nhưng thực chất là chuyên chở khách tuyến cố định với khoảng 400 chuyến, tương đương 10.000 khách/ngày.
Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết trong năm 2010, lượng khách đến bến khoảng 23.000 -24.000 khách, khoảng 1.200 -1.300 xe xuất bến/ngày. Hiện chỉ còn 1.100 xe xuất bến/ngày. Về vấn đề thu tiền bến, ông Hải cho biết đối với doanh nghiệp nhờ bến bán vé thì thu 2 khoản là dịch vụ ra vào bến và hoa hồng bán vé. Tùy theo tuyến đường mà giá có thể thay đổi. Đối với doanh nghiệp tự bán vé thì chỉ thu dịch vụ xe ra vào bến, giá này do UBND TP quy định: Xe chạy tuyến TP HCM - Vũng Tàu có giá khoảng 3.000 đồng, còn Hà Nội khoảng 7.000 đồng/ghế.
Về diện tích của bến, ông Hải cho biết hiện phục vụ các doanh nghiệp khoảng 450-500 xe. Đối với các xe chở hàng vào bến lấy 6.000 đồng/xe, ông Hải cho biết đây là tiền bốc xếp. Tuy vậy, hầu hết người dân khi chở hàng vào đều tự bốc xếp nên nhân viên bốc xếp của bến không cần phải giúp. Cũng theo ông Hải, các nhà xe bắt khách ở phía ngoài mà không vào bến đã khiến nhà nước thất thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, gây bất bình đẳng giữa các đơn vị làm ăn chân chính với các đơn vị hoạt động trá hình.
Xe thương hiệu cũng bỏ bến
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng việc các nhà xe bỏ bến ra ngoài tạo thành “xe dù” gây thiệt hại cho hành khách khi sự cố hay tai nạn xảy ra. Tuy vậy, ông cho rằng hiện nay không những các hãng xe nhỏ lẻ mà nhiều xe có thương hiệu cũng bỏ bến để tránh các loại phí.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng hiện các bến xe nằm ở 4 hướng của TP HCM nhưng với bán kính như thế thì tính kết nối chưa thật sự phù hợp. Cần xem lại diện tích đất dành cho điểm dừng đỗ có đáp ứng đủ hay không. “Cần đánh giá đúng thực trạng và đưa ra giải pháp cụ thể ở từng giai đoạn, tạo việc kết nối tạo thuận tiện cho người dân. Đặc biệt cần từng bước tháo gỡ để tạo lên sự kết nối các loại loại hình vận tải. Đối với những doanh nghiệp lớn đủ điều kiện thì có thể cho họ thành lập bến tạm để đón trả khách nhưng phải có quy định cụ thể.
Cần nâng chất lượng phục vụ
Việc các nhà xe bỏ bến ra ngoài đã lập khoảng 36 điểm bến cóc trên địa bàn TP HCM. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, cho rằng TP cần phải xem xét tận gốc vấn đề. Cụ thể theo ông là phải coi trọng chất lượng phục vụ hành khách là vấn đề mấu chốt. Tại sao các hãng xe không vào bến, có phải vì chính họ phải bỏ bến ra ngoài vì nhu cầu của hành khách không?
Sở dĩ các nhà xe bỏ bến ra ngoài sống được là vì nó thuận tiện cho người dân trong quá trình đi lại. “Những người ở các khu vực xa bến xe thì phải đi một phương tiện khác để đến bến, số tiền mà họ bỏ ra có khi cao hơn cả tiền vé xe. Trong khi đó, nhiều hãng xe đến tận nhà đón khách hoặc cho xe trung chuyển rất tiện lợi cho người dân thì cớ gì họ không chọn” - ông Mỹ cho biết.
Ông Mỹ yêu cầu TP phải tính đến việc sắp đặt các bến xe trung chuyển hợp lý để tạo điều kiện thuận tiện cho người dân. Mặt khác, theo ông, đây là sự cạnh tranh về chất lượng phục vụ. Việc phục vụ ở các bến xe không đạt hiệu quả, thu phí cao thì các nhà xe không vào bến là vấn đề bình thường.
Nhiều đơn vị vận tải cho rằng có những quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Quy hoạch bến xe tại TP chưa thật sự phù hợp, chưa đáp ứng hết nhu cầu đi lại của người dân. Việc triển khai xây dựng các điểm đón, trả khách cho tuyến vận tải hành khách cố định hiện còn chậm dẫn tới khó khăn cho việc đón trả khách của các doanh nghiệp vận tải; việc thu phí xe ra vào và lưu bến còn cao so với mặt bằng chung. Trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Khẩn trương hoàn thiện xây dựng các điểm đón, trả khách theo tuyến vận tải hành khách cố định. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý vận tải đường bộ.
Hải Liên
Bình luận (0)