Dự án có tổng mức đầu tư 137,45 triệu USD (tương đương 2.990,6 tỉ đồng). Trong đó, khoản tín dụng của Hiệp hội Phát triển quốc tế là 124 triệu USD, khoản còn lại là vốn đối ứng trong nước. Dự án nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng với những ưu điểm vượt trội và đồng thời góp phần hạn chế xe cá nhân.
Hạn chế phương tiện cá nhân
Có thể nói, với cơ sở hạ tầng, đường sá tại TP HCM như hiện nay, tốc độ khai thác của xe buýt hiện hữu chỉ đạt trung bình từ 15-18 km/giờ, thấp hơn tốc độ xe máy và nhanh hơn một chút so với xe đạp. Đó là một trong những nguyên nhân khiến ít người muốn sử dụng loại hình vận chuyển hành khách công cộng này. Dù nhiều năm qua, ngành giao thông TP đã thực hiện nhiều chủ trương nhằm thu hút người dân sử dụng nhưng vẫn chưa thực sự trở thành phương tiện đi lại phổ biến, thậm chí số lượng còn giảm xuống theo từng năm.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cách đây khoảng 10 năm, số lượng xe buýt hoạt động trên địa bàn vào khoảng 3.000 chiếc và chỉ còn chưa tới 2.800 chiếc ở thời điểm hiện tại. Nhu cầu sử dụng loại phương tiện này của người dân cũng có xu hướng giảm, thậm chí nhiều người cho rằng xe buýt giống như “hung thần”.
Trong khi đó, cùng thời gian trên nhưng lượng xe máy lại tăng một cách “chóng mặt”, từ 2,5 triệu (khoảng năm 2004) lên đến gần 6 triệu (năm 2014). Trong khi cơ sở hạ tầng giao thông, đường sá tại TP HCM tăng không đáng kể càng khiến xe buýt phải lưu thông chật chội dẫn đến chất lượng giảm nhưng nguy cơ tai nạn lại cao.
Thực trạng trên cho thấy việc xây dựng hệ thống xe buýt nhanh sẽ mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả để nâng cao năng lực giao thông công cộng, phát triển đô thị cũng như thay đổi thói quen của người dân về sử dụng loại phương tiện này. Đồng thời, khi hệ thống xe buýt BRT được hoàn thiện thì sẽ trở thành hành lang vận tải chính trong mạng lưới giao thông của TP, từ đó hạn chế đáng kể lượng phương tiện cá nhân.
Ưu điểm vượt trội
Điểm khác biệt của tuyến buýt nhanh so với xe buýt hiện hữu là chạy bằng khí nén thiên nhiên với tốc độ cao và khối lượng vận chuyển lớn (giai đoạn đầu dự kiến sử dụng loại xe 80 chỗ). Đồng thời, do tuyến xe buýt này được thiết kế chạy trên làn đường riêng nên sẽ bảo đảm đúng giờ và an toàn hơn so với việc đi hỗn hợp cùng các phương tiện giao thông khác.
Ông Lương Minh Phúc - Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP HCM, chủ đầu tư - cho biết dự án xây dựng tuyến BRT số 1 với mục đích nhằm cung cấp một loại hình dịch vụ giao thông công cộng mới, có nhiều ưu điểm vượt trội so với hệ thống xe buýt hiện hữu. Việc vận hành dự án đồng thời góp phần phát triển đô thị, trong đó lấy giao thông công cộng làm trung tâm nhằm chuyển đổi phương thức giao thông từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng có chất lượng cao.
Tuyến xe buýt nhanh sẽ có lộ trình bắt đầu từ đoạn vòng xoay An Lạc (huyện Bình Chánh) đến khu vực Rạch Chiếc (quận 2) trên đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ. Làn xe buýt nhanh sẽ được tách riêng với những làn đường còn lại bằng vạch kẻ sơn, kết hợp với đinh phản quang tạo nên một dải phân cách mềm.
Tuy nhiên, để tránh xảy ra tình trạng phương tiện khác lấn làn, chủ đầu tư cho biết sẽ cân nhắc giải pháp làm dải phân cách cứng, lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát nhằm tách riêng các phương tiện giao thông khác khỏi làn xe buýt nhanh. Tổng chiều dài của hành lang này khoảng 23 km với 28 bến đỗ và được thiết kế không xung đột với những tuyến đường nhánh. Sau khi hoàn thành, hệ thống sẽ có năng lực vận chuyển trên 28.000 hành khách mỗi ngày.
Một mình sẽ khó tồn tại
Theo một đại diện của Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn (SaigonBus), để vận hành tuyến xe buýt nhanh được hiệu quả, trước hết phải tính toán việc kết nối tuyến xe này với mạng lưới xe buýt của TP. “Nếu xem hệ thống vận hành tuyến xe buýt nhanh như một đường “xương sống” thì quanh nó cần có “xương sườn”. Nghĩa là cần có sự kết nối giữa xe buýt BRT với các tuyến xe buýt khác vì một mình nó không thể tồn tại được lâu dài do không thu hút khách” - cán bộ này phân tích.
Cũng theo vị này, hiện tuyến xe buýt số 39 (lộ trình Bến Thành - đường Võ Văn Kiệt - Bến xe Miền Tây) bình quân chỉ đạt 25 hành khách/xe/lượt (chiếm khoảng 30% công suất xe). Trong khi đó, tuyến xe buýt nhanh dự kiến cũng được xây dựng với lộ trình tương tự thì số lượng hành khách sẽ không đáng kể và không đủ doanh thu để vận hành.
Về vấn đề này, chủ đầu tư dự án cho biết sẽ xây dựng một nhà ga ở đầu tuyến cùng một bãi hậu cần kỹ thuật với nhà điều hành trung tâm. Về lâu dài sẽ kết nối với các tuyến metro cùng mạng lưới xe buýt trong TP nhằm thu hút hành khách để khai thác được hết công suất của xe.
Bình luận (0)