Thay vì chạy xe máy khoảng 16 km từ nhà đến chỗ làm, bà Nguyễn Thị Thu Vân (51 tuổi, cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương) chạy xe máy 6 km từ nhà đến bãi giữ xe miễn phí tại Trung tâm Thương mại Becamex (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Tại đây, bà lên xe buýt đi tiếp 10 km đến cơ quan nằm trong khu vực TP Mới Bình Dương. "Từ khi có bãi giữ xe miễn phí này, nhiều đồng nghiệp trong cơ quan tôi đi xe máy đến đây gửi rồi chuyển sang xe buýt tới chỗ làm. Xe buýt phong cách Nhật Bản này an toàn, sạch sẽ, lại đưa đón đúng giờ" - bà Vân nói.
Gửi xe miễn phí
Bãi giữ xe máy miễn phí trên là bãi giữ xe trung chuyển đầu tiên được UBND tỉnh Bình Dương và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khai trương vào đầu tháng 6. Gửi xe máy miễn phí rồi bắt xe buýt, anh Thành Dương (35 tuổi, giảng viên Trường ĐH Việt Đức) chia sẻ: "Lúc trước, vợ tôi chạy xe máy chở tôi bắt xe buýt đi làm. Bây giờ, tôi tự chạy xe máy ra đây gửi rồi đi xe buýt luôn. Rất tiện!".
Xe buýt Kaze phong cách Nhật Bản
Theo ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương, JICA đang hỗ trợ Bình Dương thực hiện dự án nâng cao năng lực quản lý giao thông công cộng. Trong đó, việc đưa vào vận hành bãi giữ xe trung chuyển là một trong những nội dung cần thiết của dự án nhằm tạo ra điều kiện tốt nhất cho người dân chuyển sang sử dụng xe buýt.
Hiện nay, có 6 tuyến xe buýt phong cách Nhật Bản tại Bình Dương, trong đó, 3 tuyến kết nối trung tâm TP Thủ Dầu Một với TP Mới Bình Dương (giá vé 10.000 đồng/lượt), 3 tuyến chạy tuần hoàn trong TP Mới Bình Dương (5.000 đồng/lượt). Để được gửi xe máy miễn phí, người dân phải mua vé xe buýt định kỳ (430.000 đồng/tháng, 1.190.000 đồng/3 tháng hoặc 2.190.000 đồng/6 tháng).
Đại diện JICA làm việc tại Bình Dương cho biết ở các nước có hệ thống giao thông công cộng phát triển thì bãi giữ xe trung chuyển là cơ sở hạ tầng cốt lõi để phát triển giao thông tại đô thị. Sau khi gửi xe máy ở đây, người dân có thể đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm. Sắp tới, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Bình Dương mở 2 bãi giữ xe trung chuyển tại khu vực đường Lê Thị Trung và Phạm Ngọc Thạch (TP Thủ Dầu Một).
Còn có gì hay?
"Xin chào!". Đó là câu đầu tiên tài xế xe buýt phong cách Nhật Bản nói khi phóng viên vừa bước lên trong vai hành khách. Khi được hỏi: "Tôi thấy xe buýt này tên là Kaze. Nó có nghĩa gì?". Tài xế trong trang phục lịch sự, lạ mắt đáp: "Kaze nghĩa là làn gió, ý nói là xe này lướt đi trên đường êm và nhẹ như gió". Xe không có tiếp viên bán vé. Khách có thẻ thì quẹt, nếu khách vãng lai thì tự bỏ tiền vào hộp rồi lấy vé. Vừa ngồi vào ghế, tôi đã biết ngay tài xế đang chở mình tên Huỳnh Tấn Mạnh Tài vì trong xe có gắn tên và chân dung người cầm vô lăng. Xe rất sạch sẽ, có camera giám sát, WiFi miễn phí và ghế riêng dành cho người ưu tiên như cụ già, bệnh nhân, phụ nữ mang thai… Trước khi đến trạm dừng, hệ thống loa phát thanh tự động trên xe thông báo bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Loa nhiều lần lưu ý quý khách cẩn thận khi bước xuống xe và không để quên hành lý, tư trang. Một điều khá lạ là khi dừng xe ở ngã ba, ngã tư, trước khi cho đi tiếp, tài xế đều dùng ngón tay chỉ về phía trước rồi chỉ 3 gương chiếu hông, chiếu hậu. Khi được hỏi lý do làm thế, tài xế bảo: "Mình buộc phải làm vậy để xác nhận trong xe, xung quanh xe và hướng di chuyển không chướng ngại, xe chạy tới là an toàn". Theo tài xế, loại xe này sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) chứ không phải dùng xăng dầu nên thân thiện với môi trường.
Chị Mai Thị Xuân, một người thường đi xe buýt Kaze, chia sẻ: "Đi xe buýt kiểu Nhật Bản rất sướng, an toàn. Do xe có WiFi nên vừa di chuyển vừa có thể kiểm tra mail, lướt web … Nhưng lượng xe hiện nay còn ít, có tuyến khách lỡ chuyến nên chờ hơi lâu. Nếu xe buýt kiểu Nhật Bản này nhân rộng, phủ khắp các tuyến đường thì hay biết mấy".
Một lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh đang đề xuất Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ mở thêm 4 tuyến xe buýt kiểu Nhật nối 4 thị xã Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên với TP Mới Bình Dương. Đánh giá về xe buýt phong cách Nhật Bản, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nói: "Hệ thống xe buýt Kaze với công nghệ Nhật Bản đưa vào khai thác và đi vào hoạt động từ tháng 12-2014 đến nay đã được đánh giá rất cao từ cơ quan chức năng và người dân. Đây là phương tiện hiện đại, an toàn, sạch sẽ, đúng giờ. Xe buýt Kaze đã đem lại cho Bình Dương sự hiện đại và rất thân thiện với môi trường".
Hơn 1.800 tỉ đồng làm xe buýt nhanh nối TP HCM
Tỉnh Bình Dương đang thực hiện các thủ tục triển khai dự án phát triển hạ tầng giao thông và tuyến xe buýt nhanh TP Mới Bình Dương - Suối Tiên. Theo tờ trình tỉnh Bình Dương gửi Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 5-2017, dự án này có tổng số vốn khoản 1.827 tỉ đồng, nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản. Trước đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã đồng ý để UBND tỉnh Bình Dương nghiên cứu tiền khả thi dự án này.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Dương, tuyến buýt nhanh nối TP HCM - Bình Dương chạy dọc tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, sẽ có làn đường ưu tiên. Dự án này còn xây dựng nhiều cầu vượt tại các vị trí giao cắt lớn trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Ngoài ra, dự án còn có một số hạng mục khác nhằm phát triển giao thông công cộng, tạo tiền đề để Bình Dương kết nối với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên của TP HCM. Dự kiến, dự án sẽ khởi công và hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 2018-2019.
Bình luận (0)