Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, vừa kiến nghị Chính phủ một số giải pháp cho ngành giao thông nhằm giảm ùn tắc ở các đô thị. Trong đó, đề xuất TP Hà Nội và TP HCM cho phép xe buýt dưới 17 chỗ và xe chạy bằng điện hoạt động đón trả khách như taxi đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, loại hình này chạy theo nhu cầu của khách để kết nối bến xe, nhà ga, sân bay, khu đô thị nhằm giảm bớt và thay thế tuyến xe buýt cố định. Các phương tiện trên không cần luồng tuyến cố định và bến bãi, chỉ cần đăng ký phương tiện, người lái, giá cước và được đón trả khách như taxi. Việc quản lý xe này cũng giống như xe tư nhân, chỉ cần đăng kiểm, quản lý thuế và người lái nên bộ máy quản lý sẽ không cồng kềnh. Việc tính cước có thể theo km hoạt động hoặc khoán, tài xế với hành khách tự thỏa thuận với nhau.
Xe buýt nhỏ có ưu điểm chạy được trong nhiều ngõ ngách của Hà Nội, thuận tiện cho người dân
Ông Bùi Danh Liên cho rằng loại hình xe nhỏ nên rất linh hoạt, tính kết nối cao và lại có thể đi trong các đường hoặc ngõ ngách. Bên cạnh đó, việc sử dụng xe điện cũng góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và giảm ùn tắc giao thông. Ngoài ra, chi phí đầu tư cho các xe điện cũng thấp hơn nhiều so với xe buýt cố định.
Ủng hộ đề xuất của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, TS kinh tế Lương Hoài Nam cho rằng mọi loại hình phát triển giao thông công cộng đều tốt, kể cả xe buýt, taxi, các phương tiện vận chuyển loại nhỏ. Không chỉ mini bus và xe điện, thậm chí nên cấp phép cho cả tuk tuk… như ở Thái Lan, Myanmar.
"Trong điều kiện Hà Nội và TP HCM có nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ, việc phát triển các phương tiện vận tải công cộng công suất nhỏ là tốt. Chúng vừa bổ trợ vừa tạo kết nối hiệu quả với các dịch vụ giao thông công cộng công suất lớn" - TS Nam đánh giá.
Ngoài ra, người dân không cần lo lắng quá về việc các phương tiện vận tải công suất nhỏ làm gia tăng tắc đường. Hà Nội, TP HCM mỗi nơi đang có 600.000-700.000 phương tiện ô tô, chưa kể số ô tô đăng ký ngoại tỉnh. "Mấy ngàn hay mấy chục ngàn phương tiện vận tải công cộng không phải là nguyên nhân chính gây tắc đường. Nguyên nhân chính do các phương tiện cá nhân. Vì vậy, cần phát triển mọi loại hình giao thông công cộng để tạo sự chuyển dịch dần dần từ các phương tiện cá nhân sang các phương tiện công cộng" - TS Nam giải thích.
Trong khi đó, theo TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, Việt Nam nên học bài học của các nước khác, đó là xác định những điểm dừng, đỗ, điểm đón khách thích hợp thì sẽ phát triển tốt các loại hình xe dưới 17 chỗ và khuyến khích người dân đi bộ. "Do vậy, không nên thả nổi các loại hình phương tiện giao thông vì bất cứ lý do gì. Chúng ta khuyến khích các phương tiện giao thông công cộng quy mô nhỏ nhưng nên xác định hệ thống mạng lưới các điểm dừng, đỗ, điểm đón khách. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn, ách tắc, mất an toàn giao thông, khó quản lý" - TS Nghiêm nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, khẳng định các quy định hiện hành chưa cho phép xe buýt được đón trả khách như taxi. Do đó, nếu Chính phủ chấp thuận đề xuất này thì cần tổ chức thí điểm ở các TP; đồng thời nên khảo sát nhu cầu hành khách để tránh lãng phí vì hiện nhiều tuyến buýt nội đô còn vắng khách.
Bình luận (0)