Tuyến xe buýt Bến xe phía Nam đi thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền và ngược lại của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Đức (gọi tắt là Công ty Hoàng Đức) được tỉnh Thừa Thiên - Huế trợ giá nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt từ sau Tết Đinh Dậu, tuyến xe buýt này bộc lộ nhiều vấn đề.
Xe buýt tuyến TP Huế đi Phong Điền của Công ty Hoàng Đức bị phản ánh kém chất lượng
Bà Nguyễn Thị Như Hà, công tác tại Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết bà mua vé xe buýt tuyến này mỗi tháng 160.000 đồng để đi từ nhà ở phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế vào cơ quan tại TP Huế làm việc. Thế nhưng, xe lúc chạy lúc không khiến công việc của bà bị ảnh hưởng nhiều.
“Ngày 8-2, tôi đứng tại thị trấn Tứ Hạ từ 6 giờ 15 phút đợi xe buýt nhưng hơn 1 giờ mà chẳng thấy đâu nên buộc phải đón xe khách vào bến xe phía Bắc, sau đó đi xe ôm cho kịp giờ làm việc” - bà Hà bức xúc.
Xe buýt của Công ty Hoàng Đức chạy tuyến TP Huế - Phong Điền không những trễ chuyến mà theo nhiều người phản ánh, chất lượng xe cũng quá tệ, thường xuyên bị hỏng. Nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt khi đang chở khách thì đơn vị này lại chậm điều xe khác đến thay thế.
“Cách đây không lâu, tôi đi chuyến lúc 7 giờ 15 phút. Khi xe vào tới trạm Đồng Lâm (Phong Điền) thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt. Chuyến xe tiếp theo lúc 8 giờ cũng bị chặn lại xử phạt tại đây. Đợi xe điều động thay thế quá lâu, đến lúc vào tới TP Huế đã hơn 9 giờ nên trễ công việc” - chị Trần Thị Nguyệt, một hành khách, kể.
Bên cạnh những bất cập nêu trên, nhiều hành khách đi xe buýt Hoàng Đức còn tỏ ra khó chịu khi xe chật chội, xả rác nhiều và tài xế xe thiếu nhã nhặn với hành khách.
Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng Phòng Quản lý vận tải và phương tiện thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết thời gian qua, xe buýt của Công ty Hoàng Đức hoạt động tại một số tuyến được nhà nước trợ giá (trong đó có tuyến TP Huế - Phong Điền) thường xuyên chạy không đúng giờ quy định. Nhiều xe đã xuống cấp, hư hỏng; thiết bị giám sát hành trình ở một số chiếc hoạt động không tốt, mất tín hiệu, ảnh hưởng đến việc kiểm tra, theo dõi.
“Sau khi làm việc, Công ty Hoàng Đức đã có một số chấn chỉnh như đưa xe về trụ sở công ty để dễ dàng quản lý và sửa chữa, bố trí lại nhân sự làm việc và đang xây dựng phần mềm quản lý xe buýt giúp người dân dễ dàng truy cập, chủ động, thuận tiện trong việc đón đi các tuyến” - ông Hồng thông tin.
Trong khi đó, ông Hoàng Đức Hoài, Giám đốc Công ty Hoàng Đức, lại cho rằng việc xe trễ giờ tại vài tuyến là do một số nút giao thông ở TP Huế thường xuyên ùn tắc, nhất là thời điểm sau khi công ty chuyển từ xe 40 chỗ sang 60 chỗ. Đối với tuyến xe buýt Phong Điền, công ty đã tăng cường 2 chiếc dự phòng, dự kiến sẽ tăng 3-4 chiếc trong thời gian tới để tránh tình trạng trễ chuyến khi có xe hư hỏng.
Bình luận (0)