Đầu buổi chiều 22-5, toàn miền Nam bị cúp điện đột ngột và kéo dài trong nhiều giờ.
Dòng xe lộn xộn tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng, quận 1 - TPHCM do hệ thống đèn điều khiển giao thông không hoạt động vì mất điện. Ảnh: SỸ ĐÔNG
Giao thông hỗn loạn
Tại TPHCM, người dân rất vất vả chống lại cái nóng xế trưa. Hệ thống đèn tín hiệu giao thông tắt ngúm khiến tình hình giao thông ở các giao lộ rối loạn nghiêm trọng. Đến 16 giờ 30 phút, một số khu vực như quận Tân Bình, quận Tân Phú vẫn chưa có điện trở lại. Tại giao lộ Nguyễn Thị Nghĩa - Lê Lai (quận 1), rất nhiều ô tô nối dài nằm chờ dòng xe máy chen nhau. Các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đinh Tiên Hoàng (quận 1) cũng trong tình cảnh tương tự.
Trên các tuyến đường như Trường Chinh, Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú), dòng ô tô nối đuôi dài hàng km, xe máy lấn lên vỉa hè để di chuyển khiến giao thông càng thêm hỗn loạn.
Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM, cho biết đã phải huy động tất cả lực lượng mới lập lại được trật tự giao thông.
Tại TP Cần Thơ, tình hình giao thông trong nội ô cũng hỗn loạn vì tín hiệu đèn giao thông ngừng hoạt động. Ngã tư đường 3-2 và đường Nguyễn Văn Linh (quận Ninh Kiều) ùn tắc nghiêm trọng. Nhiều xe tải, ô tô và gắn máy chen chúc giành đường.
Đại tá Huỳnh Đấu Tranh, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Cần Thơ, cho biết đã điều động thêm nhiều chiến sĩ ra các tuyến đường có lưu lượng xe lớn để điều tiết, hạn chế tình trạng ùn tắc.
Ngay sau sự cố mất điện, hàng loạt công nhân của các doanh nghiệp (DN) tại KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ), đa phần là các DN chế biến thủy sản, phải ngưng việc, túa ra các hàng quán ven đường vì không chịu nổi sức nóng của nhà xưởng.
Ông Trường Minh, lãnh đạo một DN chế biến cá tra, cho biết sự cố mất điện đã gây thiệt hại không nhỏ và khi có điện trở lại, nhiều khâu phải dùng sức người moi nguyên liệu bị kẹt ra chứ không thể dùng máy móc. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở nội ô TP Cần Thơ cũng gặp không ít khó khăn do sử dụng hệ thống tính tiền bằng máy tính, dữ liệu bị mất không thể phục hồi khiến thực khách phiền toái.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, cho biết: “Chúng tôi đã cho công nhân ra về, chấp nhận bỏ hẳn 1 ca sản xuất từ 14 giờ đến 22 giờ”.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Duy Thái, Phó Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, nỗi ám ảnh lớn nhất của DN sản xuất thép là cúp điện đột xuất bởi khi cúp điện, thép đang nấu trong lò bị khô cứng phải đổ ra sàn; khi có điện trở lại phải hâm nóng lò, cắt mỏng thép để bỏ vào nấu lại.
Không kể đến tổn thất về nhân công, năng suất, chỉ tính riêng chi phí điện để vận hành máy đã là con số khổng lồ. Thép Việt có 2 lò nấu thép 60 tấn và 120 tấn. Bình quân, 1 tấn thép cần 360 kWh điện để nung nóng. Cứ đem 360 kWh điện nhân với 180 tấn rồi nhân với giá điện hiện tại là có thể tính được số tiền thiệt hại chúng tôi phải chịu do cúp điện không báo trước.
Đã khắc phục sự cố
Chiều cùng ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra thông cáo cho biết sự cố mất điện xảy ra lúc 14 giờ 19 phút do xe cần cẩu BKS 61P-3745 vận hành phục vụ việc trồng cây trong khu vực TP mới Bình Dương (tỉnh Bình Dương), ngọn cây chạm vào đường dây 500 KV tại đường dây 500 KV Di Linh - Tân Định, ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500 KV Tân Định.
Sự cố xảy ra trong lúc hệ thống truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500 KV Bắc - Nam, gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện miền Nam dẫn tới cả miền Nam mất điện (khoảng 9.400 MW). 15 giờ 54 phút, đường dây 500 KV Bắc - Nam đã vận hành trở lại và EVN từng bước khôi phục hệ thống điện miền Nam.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên phó tổng giám đốc EVN, cho rằng đây là sự cố hy hữu vì sự cố đường dây 500 KV từ trước đến nay thường có nguyên nhân từ thiên tai (sét, bão…) hoặc từ truyền tải quá công suất. Theo quy định, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện 500 KV tại điểm võng thấp nhất so với mặt đất là 14 m đối với khu vực đô thị và 8-9 m đối với khu vực rừng núi.
Luật Điện lực 2004 cũng quy định khi tiến hành các công việc trên mặt đất ở gần hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không có khả năng ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của đường dây hoặc có nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện thì đơn vị tiến hành những công việc đó phải có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết. Nếu để xảy ra hiện tượng phóng điện có thể dẫn đến hỏng đường dây hoặc đứt sợi, phải vá lại và thời gian khắc phục khá lâu.
Có thể khởi tố vụ án
Cùng ngày, người phát ngôn của EVN, ông Võ Quang Lâm, cho biết EVN đang tập trung chỉ đạo toàn hệ thống khẩn trương khắc phục sự cố nên các vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm chưa được đặt ra.
Trong khi đó, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Dương đã vào cuộc điều tra và cho biết không loại trừ khả năng khởi tố vụ án. Tài xế lái xe cẩu gây ra sự cố là Ngô Đình Thảo (SN 1986, ngụ Trà Vinh). Chiếc xe này đã bị lực lượng chức năng tạm giữ. |
Bình luận (0)