Ngày 23-5, chúng tôi ngược TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị theo Quốc lộ (QL) 9 lên cửa khẩu Lao Bảo khi trời đã gần tối. Dọc hành trình không khó để bắt gặp những chiếc xe container, xe đầu kéo chở gỗ quá khổ, quá tải từ hướng biên giới Việt - Lào đổ về TP Đông Hà.
Oằn mình cõng xe quá tải
Tại ngã ba cầu treo huyện Đăkrông lúc 18 giờ, chúng tôi chứng kiến rất nhiều xe siêu trường, siêu trọng từ hướng đường Hồ Chí Minh ở cửa khẩu La Lay và từ cửa khẩu Lao Bảo đổ về. Nhiều xe có trọng tải lên đến gần 100 tấn, có xe chở gỗ vượt ra ngoài thùng xe từ 4-6 m.
Chiếc xe chở gỗ mang biển kiểm soát 51R-02455 kéo theo rơ-moóc 51R-01143 với trọng tải ước chừng trên 100 tấn ung dung di chuyển từ cửa khẩu La Lay qua đường 15D rồi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để về TP Đông Hà. Những khúc gỗ tròn có đường kính trên 1 m, dài hơn thùng xe trên 5 m, chất đầy trên xe khiến mỗi lần ôm cua, chiếc xe chao đảo khiến người đi đường khiếp sợ. Cũng do trọng tải quá lớn nên khi xe bò qua cầu treo Đakrông, cầu rung lên bần bật. Một phụ nữ bán hàng tạp hóa sát chân cầu ngao ngán: “Cầu chỉ có tải trọng cho phép 30 tấn, trong khi xe chở cả 100 tấn gỗ thì sao không rung lắc được”.
Dọc tuyến QL 9 có nhiều cây cầu được xây dựng từ năm 1980 và hiện đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng và chỉ cho phép tải trọng dưới 18 tấn nhưng hằng ngày phải oằn mình chống đỡ những chiếc xe chở gỗ “khủng”. Điều đáng nói là những xe chở quá tải này dường như ít bị lực lượng CSGT kiểm tra. Lúc 18 giờ ngày 24-3, tại ngã ba cầu treo Đăkrông, 2 chiếc xe kéo rơ-moóc chở gỗ tròn theo hướng từ cửa khẩu La Lay về đã bị CSGT ở Trạm Kiểm tra liên ngành Cầu Treo dừng lại. Sau đó, lực lượng CSGT và người nhà xe đi về trạm để làm thủ tục. Lực lượng CSGT không có động thái kiểm tra hàng hóa trên xe mặc dù các xe đều chất đầy gỗ, trong đó có xe gỗ chìa ra khỏi thùng hơn 5 m. Việc kiểm tra chỉ chưa đầy 5 phút, sau đó cả 2 xe tiếp tục hành trình.
Lừ lừ qua mặt CSGT
Theo thiết kế, QL 9 đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 với tải trọng tối đa 30 tấn. Việc xe quá khổ, quá tải chạy nhiều trong thời gian qua khiến con đường này bị xuống cấp nặng. Một lãnh đạo của Chi cục Quản lý đường bộ 2.5 thuộc Cục Quản lý đường bộ 2 đóng tại huyện Cam Lộ cho rằng việc xe quá tải chạy nhiều như vậy sẽ khiến tuổi thọ con đường giảm. Trong khi đó, thời gian qua trên tuyến đường QL 9 đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do xe chở gỗ quá tải gây ra.
QL 14B, đoạn từ cầu vượt Hòa Cầm (TP Đà Nẵng) đến giáp ranh với huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cũng đang trở thành cung đường ám ảnh đối với người tham gia giao thông. Bởi hằng ngày không chỉ có hàng ngàn xe ben chở đất, chở than che phủ sơ sài, cơi nới vượt khung so với quy định mà tuyến đường này còn gánh chịu hàng ngàn xe vượt tải trọng đua nhau lấn đường khiến người dân khiếp đảm.
Có mặt tại tuyến QL 14B vào sáng 26-3, chúng tôi hết sức kinh hoàng khi chứng kiến hàng loạt xe ben chở đất, đá nối đuôi nhau bóp còi inh ỏi, chạy với tốc độ rất cao khiến không ít người đi đường phải dừng xe, nép sát lề để “hung thần” qua rồi mới dám đi tiếp. “Chẳng biết lực lượng CSGT đi đâu mà không thấy xử phạt mấy xe này” - chị Nguyễn Thị Hòa, một người đi đường, bức xúc.
Tại tỉnh Bình Định, theo ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày gần đây, trên các tuyến QL và tỉnh lộ, xuất hiện khá nhiều tổ CSGT, cảnh sát trật tự và thanh tra giao thông tuần tra kiểm soát, xử lý xe vi phạm. Dọc QL 1 đoạn từ TP Quy Nhơn đến huyện Hoài Nhơn, ngoài 3 chốt CSGT cố định còn có nhiều tổ tuần tra cơ động. Dù vậy, trên tuyến đường này vẫn có không ít xe chở hàng quá khổ, quá tải “hiên ngang” qua mặt lực lượng chức năng hoặc tìm cách “né” bằng việc chuyển sang chạy trong những giờ nghỉ của lực lượng chức năng.
Giữa tháng 3, chúng tôi theo đuôi một xe tải mang biển số 77R-0095 chất “lút cần” gỗ xẻ, không phủ bạt, lưu thông trên QL 1A theo hướng từ thị trấn Diêu Trì , huyện Tuy Phước ra Bắc. Khi đến chốt CSGT trước Trạm CSGT Tuy Phước, tưởng rằng chiếc xe vi phạm sẽ bị CSGT chặn lại nhưng chẳng hiểu vì sao nó vẫn lừ lừ tiến qua chốt. Trong khi đó, nhiều xe tải mang biển số ngoài tỉnh chở hàng, phủ bạt kín mít lại bị CSGT chặn “kiểm tra” giấy tờ. Trên đường ra đến ngã tư cầu Bà Di, chiếc xe “khủng” này tiếp tục gặp một tổ Thanh tra giao thông đang đi tuần theo hướng ngược lại nhưng nó vẫn thản nhiên giữ nguyên tốc độ.
Kỳ tới: Đường nát như tương
Tai nạn do xe gỗ gây ra
Theo thống kê của Phòng CSGT tỉnh Quảng Trị, kể từ năm 2012 đến nay đã có 6 vụ tai nạn giao thông liên quan đến loại xe chở gỗ quá khổ, quá tải lưu thông từ Lào về. Trong đó, tại huyện Hướng Hóa xảy ra 5 vụ, huyện Đăkrông 1 vụ làm 2 người chết và 1 người bị thương. Cụ thể, năm 2012 xảy ra 1 vụ lật xe gỗ ở huyện Hướng Hóa khiến 1 người đi đường bị gỗ đè chết. Năm 2013 xảy ra 5 vụ, trong đó có 3 vụ xe chở gỗ đâm vào nhà dân ven đường khiến 1 người chết, 1 người bị thương. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn này hầu hết do lỗi xe mất lái, mất phanh.
Khó xử lý?
Thượng tá Nguyễn Năng Điền, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị, thừa nhận có tình trạng xe chở quá khổ, quá tải trên tuyến QL 9 nhưng lực lượng CSGT chưa thể xử lý vì gặp rất nhiều khó khăn. Hiện Sở GTVT và Công an tỉnh Quảng Trị đã có quy chế phối hợp để triển khai xử phạt. Tuy nhiên, do chậm trễ trong cấp cân lưu động nên chưa thể xử lý dứt điểm.
Ông Nguyễn Đức Chỉ, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết việc xử lý xe quá tải đến nay vẫn còn gặp khó khăn do Quảng Nam chưa có trạm cân. Còn ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Định, thừa nhận tình trạng xe chở hàng quá khổ, quá tải đang diễn ra khá phổ biến ở địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình đường bộ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp để chấn chỉnh nhưng vẫn chưa hiệu quả.
Bình luận (0)