Đúng ngày hẹn, chúng tôi trở lại gặp bà Vân, chủ cơ sở sản xuất xe ba bánh kiểu Trung Quốc ở Hương lộ 80B (huyện Bình Chánh-TPHCM), để được xem cà – vẹt một chiếc xe chuẩn bị xuất xưởng, giao cho khách.
10 triệu đồng để mua… cà-vẹt giả
Đưa chúng tôi xem cà-vẹt và biển số của chiếc xe này, bà Vân nói: “Xe biển số tỉnh Đồng Nai 60U1-4264 có dấu quốc huy dập nổi hẳn hoi. Giấy tờ đi kèm mang tên Trần Văn Vinh, địa chỉ tại ấp Ruộng Tre, Bảo Quang, thị xã Long Khánh; nhãn hiệu xe Yinxiang; loại xe: ba bánh; mã số đăng ký: 005116; do Phó trưởng Công an thị xã Long Khánh - thượng tá Trương Minh Thắng (nay là đại tá) ký cấp ngày 24-7-2008”.
Để chắc ăn, bà chủ tiệm chỉ một dấu tròn mờ chìm trên góc trái cà-vẹt và khẳng định: “Xe có giấy tờ đàng hoàng nhưng không có hồ sơ gốc đâu nhé. Riêng khoản giấy tờ đã chi mất 10 triệu đồng rồi đó. Đây là chuyện làm ăn, thấy em thiện chí mua xe chị mới nói ra”. Chúng tôi thắc mắc cà-vẹt đứng tên người khác lỡ xảy ra tranh chấp thì sao? Bà Vân trấn an: “Cái tên đó là giả, người ta phịa ra để làm giấy thôi. Em yên tâm, ở đây ký hợp đồng mua bán với em mà!”. Cũng theo bà Vân, cà-vẹt xe ba bánh phải mang biển số tỉnh, tốt nhất là Đồng Nai hoặc Bình Dương, vì 2 địa phương này trước đây cho nhập nhiều xe Trung Quốc. Ngoài ra, ngày tháng cũng phải lùi lại đến năm 2008 vì từ sau thời điểm này không cho đăng ký xe ba bánh nữa.
Nhiều xe ba bánh lưu thông trên đường không qua kiểm định chất lượng và các tiêu chuẩn về an toàn. Ảnh: TẤN THẠNH
Xác minh tại Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, chúng tôi được biết phương tiện mang biển kiểm soát 60U1-4264 thực ra là một chiếc mô tô Wave màu đỏ đen, có số khung 121256, số máy 11121287, chủ xe tên là Trương Trọng Tuấn, ngụ phường Xuân Trung, thị xã Long Khánh. Trao đổi với phóng viên, đại tá Trương Minh Thắng, Phó trưởng Công an thị xã Long Khánh, cho biết tình trạng giả chữ ký của ông và con dấu của Công an thị xã Long Khánh rất nhiều. Thời gian qua, công an nhiều nơi trong đó có công an của các quận, huyện của TPHCM, cũng đã liên hệ với Công an thị xã Long Khánh để làm rõ những trường hợp này.
Xe “lậu” tràn lan ngoài đường
Nhiều ngày thâm nhập các lò sản xuất xe ba bánh kiểu Trung Quốc, chúng tôi được các chủ lò cho biết hiện nay, loại xe này đang hút hàng, trung bình mỗi tháng họ cho ra lò không dưới 6 chiếc. Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn quận Bình Tân có không dưới 2 lò chuyên “xẻ thịt” xe hai bánh để “hóa kiếp” thành xe ba bánh giống xe nhập từ Trung Quốc.
Một số tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý, Hương lộ 80B cũng có nhiều lò, đa số các lò hoạt động hơn một năm nay kể từ thời điểm rộ lên phong trào mua xe ba bánh Trung Quốc để thay thế loại xe ba gác máy, ba gác đạp. Hằng ngày, lượng xe ba bánh “lậu” lưu thông trên các tuyến đường ở TPHCM không phải nhỏ.
Ngày 22-4, chỉ 15 phút đứng tại ngã tư Gò Mây (quận Bình Tân - TPHCM), chúng tôi nhẩm đếm có hơn 20 lượt xe ba bánh qua lại, trong đó có nhiều xe mang biển số TPHCM nhưng nhiều nhất vẫn là biển số đầu 60... của tỉnh Đồng Nai và nhiều biển số các tỉnh khác. Trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, chúng tôi còn ghi nhận được một xe ba bánh mới toanh, biển số mới gồm 5 chữ số hẳn hoi khiến ai cũng ngạc nhiên. Trong khi theo Phòng CSGT Đường bộ - Công an TPHCM, từ thời điểm cấp biển số xe 5 chữ số (ngày 6-12-2010) đến nay, cơ quan này hoàn toàn không cấp biển số mới cho xe ba bánh Trung Quốc, kể cả việc sang tên, chuyển nhượng.
Cà-vẹt của một xe ba bánh sản xuất tại TPHCM được Công an tỉnh Đồng Nai xác định là giả. Ảnh: QUÝ LÂM
Dọc đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân), chỉ một đoạn đường ngắn có gần 40 xe nằm dọc đường chờ chở hàng, trong đó không ít xe đang được chủ rao bán. Anh Th., chủ một xe ba bánh hoạt động tại khu vực này, ra giá: “Xe bán 52 triệu đồng, lắp ráp từ mô tô Lifan năm 2008, giấy tờ xe hai bánh, mới được lên đời”. Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được S., người đang rao bán chiếc xe hiệu Yinxiang với giá 67 triệu đồng, cho biết xe có giấy đăng ký hẳn hoi nhưng không có hồ sơ gốc, bởi đây là “bản sao” của một xe khác có giấy tờ đàng hoàng. Để qua mặt CSGT, chủ lò đã làm một chiếc xe y chang chiếc xe có giấy tờ, từ màu sơn đến hình dáng, sau đó “chế” một giấy đăng ký xe như giấy thật. “Với chiêu này thì CSGT khó mà nhận biết”- S. khẳng định.
Tình trạng xe “lậu” với giấy tờ giả, giấy tờ không hợp lệ là vấn đề đáng báo động cho sự an toàn của người tham gia giao thông bởi các phương tiện này không qua kiểm định chất lượng và các tiêu chuẩn về an toàn. Ông Đặng Xuân Phong (ngụ quận 12), đã từ giã nghề chạy xe ba gác máy sau khi có lệnh cấm của Nhà nước, cảnh báo: “Nguy hiểm cực kỳ. Nhiều người liều mua cũng kiếm được tiền nhưng đây là loại xe đe dọa an toàn giao thông, tôi không dám chạy bởi các xe này được sản xuất theo kiểu… ăn xổi: Tải trọng thì vô chừng, kích thước thì tùy ý!”.
Coi chừng trắng tay!
Trong nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi vỡ lẽ vì sao giới chạy xe ba bánh này hiện đang rao bán xe ồ ạt. Theo anh Châu, người đang sở hữu một xe ba bánh được cấp giấy tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, nhiều người sau thời gian ham rẻ đã mua xe về chạy nhưng cứ nơm nớp lo công an bắt nên buộc phải bán xe chuyển sang mua xe khác. Cũng có thể việc mua bán xe mang lại một số lợi nhuận không nhỏ nên nhiều người đổ xô “làm cò” cho các lò.
Điều đáng ngại là để mua được chiếc xe này trang trải cuộc sống, nhiều người lao động nghèo đã cầm cố nhà cửa vay tiền để mua. Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu, họ sẽ trắng tay. Còn những lò sản xuất thì làm ăn ngày càng phát đạt. |
Bình luận (0)