Quyết định mở rộng phạm vi cấm xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế trên địa bàn TP HCM có hiệu lực từ ngày 1-3. Trong đó, khu trung tâm TP HCM cấm hoàn toàn, kể cả xe có đăng ký.
Phớt lờ lệnh cấm
Tuy nhiên, trên các tuyến đường khu vực trung tâm TP HCM, xe thô sơ, tự chế vẫn hoạt động tấp nập, nhất là vào giờ nghỉ trưa hoặc tối, khi lực lượng CSGT vắng bóng. Trong đó, các tuyến Nguyễn Thị Minh Khai, Bà Huyện Thanh Quan, Cách Mạng Tháng Tám… thường xuyên có xe 3-4 bánh chở đủ loại hàng. Không chỉ xe Trung Quốc, nhiều xe lôi, xe 3 bánh loại cũ vẫn ngang nhiên đi lại trên đường.
Trên nhiều tuyến đường, xe ba gác máy chuyên chở thuê hàng tập trung thành bãi như góc vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), đường Thành Thái, Ngô Gia Tự (quận 10)… Trên đường Ngô Gia Tự, nhiều xe ba gác chở đồ nội thất, bàn ghế, nệm mút… cồng kềnh tấp nập đi giao hàng… Nhiều người còn dùng xe ba gác chở xà bần, rác thải lưu thông trên các tuyến đường có mật độ xe cộ dày đặc như Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Lý Thường Kiệt...
Ông Huỳnh Văn Ngọc (40 tuổi, quê Đồng Tháp), chạy xe ba gác tại vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm, bộc bạch: “Khách quen họ biết số điện thoại, khi cần chỉ việc gọi và thông báo địa điểm là chúng tôi có mặt, mỗi ngày chở hàng thuê cũng được vài trăm ngàn đồng lo cho mấy đứa nhỏ ăn học. Khi thấy CSGT thì mình tránh hoặc né giờ cao điểm mà họ hay đứng chốt. Ai bị tịch thu phương tiện thì coi như chết đói”…
Dù bị cấm và hạn chế giờ lưu thông nhưng trên tuyến đường Trường Chinh - nối 3 quận Tân Bình, Tân Phú và 12 - hầu như giờ nào cũng có xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế lưu thông. Trên cầu Tham Lương, hàng chục xe lôi, xe 3 bánh tự chế chở nghêu, sò, ốc… đậu dày đặc chờ người mua. Các phương tiện này nhiều lần khiến người đi đường bị đe dọa khi bỏ chạy tán loạn nếu thấy bóng dáng lực lượng chức năng.
Khi lực lượng chức năng phường Đông Hưng Thuận, quận 12 ra quân thì những người bán hàng rong lại chạy xe qua phía phường 15, quận Tân Bình đứng bán và ngược lại.
Dọc tuyến Quốc lộ 1 kéo dài từ quận Thủ Đức đến huyện Bình Chánh, chúng tôi thấy hàng chục xe 3 bánh nhận chở hàng, đa số là xe Trung Quốc. Trên tuyến đường này, hầu như lúc nào cũng có mặt xe 3 bánh chở hàng hoặc sắt thép cồng kềnh, dễ gây nguy hiểm cho người đi đường.
Khó “đụng” chén cơm người nghèo?
Vì sao lệnh cấm xe thô sơ, tự chế có hiệu lực từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện triệt để? Chúng tôi đã đặt vấn đề này với nhiều đơn vị chức năng nhưng hầu hết đều cho rằng “rất nhạy cảm, khó làm căng” vì đụng đến chén cơm của người nghèo, chưa kể khi tiến hành xử lý cũng gặp nhiều khó khăn.
Tại hội nghị tổng kết tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2013 tổ chức mới đây, thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, cho biết phòng vẫn chỉ đạo các đơn vị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến xe thô sơ, tự chế. Tuy nhiên, muốn xử lý triệt để, phải tổ chức chuyên đề, có xe tải để cẩu phương tiện về tạm giữ…
Theo một lãnh đạo Đội CSGT An Lạc, đội vẫn xử phạt nhiều trường hợp vi phạm, trong đó hầu hết là xe 3 bánh Trung Quốc - loại cải tiến từ xe 2 bánh, chế thêm thùng, bánh sau - với mức 200.000-400.000 đồng/lần. “Việc xử phạt vi phạm gặp nhiều khó khăn vì chủ phương tiện đều là lao động nghèo, người nhập cư. Khi bị phạt thì họ năn nỉ, khóc lóc rất khó xử. Chưa kể, lập biên bản xong, CSGT phải mang xe về kho tạm giữ, nhiều chiến sĩ không quen lái phương tiện này dễ gây mất an toàn giao thông” - vị này băn khoăn.
Thiếu tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội CSGT Bình Triệu, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phát hiện nhiều người chạy xe thô sơ, tự chế chở rau củ, trái cây từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức lưu thông trên Quốc lộ 1. Thường thì chúng tôi quyết liệt tịch thu xe, hầu hết chủ phương tiện đều chấp hành”.
Trong khi đó, theo một cán bộ Đội CSGT Tân Sơn Nhất, những người chở hàng thuê bằng xe 3 bánh tự chế rất nhiều, phạt không xuể. “Phát hiện CSGT, họ lập tức tấp vào lề đường hoặc chạy vào những con hẻm nhỏ để né” - ông cho biết.
Gây tai nạn và gặp nạn
Nhiều người ngụ gần chợ Cầu 2 (đường Quang Trung, quận 12) vẫn còn rùng mình khi nhớ lại vụ một chiếc xe ba gác chở đá hoa cương chạy lên cầu bất ngờ ngã ra đường, đè lên một cô gái đi xe máy. Vụ tai nạn bất ngờ khiến cô gái bị thương nặng, chiếc xe máy cũng hư hại nhiều bộ phận. “Nhiều người dùng xe tự chế, thô sơ chở hàng cồng kềnh như gạch đá, sắt thép nhưng không bị xử phạt triệt để nên lờn mặt” - anh Trần Ngọc Linh, ngụ quận 12, nhận xét.
Mới đây, sáng 3-4, ông Nguyễn Thùy Vũ (SN 1967, quê Vĩnh Long, tạm trú quận 12) điều khiển xe rác tự chế lưu thông trên đường Phan Văn Hớn hướng từ đường Trường Chinh ra Quốc lộ 1, quận 12, TP HCM. Khi vừa qua khỏi ngã tư Phan Văn Hớn - Trường Chinh vài trăm mét, bất ngờ xe rác do ông Vũ điều khiển lao vào dải phân cách khiến ông văng xuống đường tử vong tại chỗ.
Bình luận (0)