Vài ngày trước đó, sau khi bị lừa, ông phải vay tiền để mua cơm và trả nợ cũ. Những người cùng nghề với ông Dũng cho biết ông cảm thấy bế tắc và từng đâm đầu vào ô tô nhưng tài xế thắng kịp; sau đó thì ông nhảy kênh, do quá đột ngột nên không ai kịp cứu.
Ông Dũng đã chọn cái chết để giải quyết số phận cùng cực của mình. Sau 10 năm bán vé số dạo, một người nghèo đã phải tìm đến cái chết. Còn gì tội nghiệp, đau đớn và cay đắng hơn!
Những trường hợp bán vé số bị lừa kiểu như vậy đã xảy ra rất nhiều. Hầu hết nạn nhân đều lâm vào cảnh khốn cùng. Dù hiếm có ai chọn giải pháp tiêu cực như ông Nguyễn Tiến Dũng nhưng phải nói rằng trong hoàn cảnh tứ cố vô thân, hoàn toàn không tìm thấy lối ra cho đời mình, nhiều nạn nhân dễ rơi vào trạng thái sống mà như chết. Điều kiện dễ bị tổn thương đó cũng chính là mầm mống của mâu thuẫn xã hội, tệ nạn và bạo lực. Các nghiên cứu xã hội học và thực tiễn đã chỉ ra rằng khi sự phân hóa giàu nghèo càng sâu sắc thì người nghèo dễ có hành vi phạm pháp hơn cả.
Trợ vốn cho người bán vé số bị lừa, dành cho họ một chỗ nương náu…, tất cả chỉ là giải pháp tạm thời. Không riêng nhóm người bán vé số, xã hội còn rất nhiều thành phần khác đang rất nghèo và dễ bị xâm hại. Ít có điều kiện lo cho bản thân, lại phải lao vào những phần việc nguy hiểm để mưu sinh nên người nghèo luôn đối diện với nhiều nguy cơ xấu. Chỉ có thoát nghèo mới là con đường dẫn họ ra khỏi những cạm bẫy tai ương đó.
Bản thân người nghèo cũng luôn ý thức về sự thoát nghèo rất cao. Họ kiếm tiền và tích lũy bằng lao động chân chính. Nhưng thoát nghèo nào có dễ.
Câu trả lời căn cơ nằm ở chính sách của nhà nước về đầu tư và xã hội. Vẫn còn mọc lên những dự án sân golf vương giả thực chất là xí phần đất công hoặc lấy đất ruộng của nông dân. Vẫn còn đó những công trình tiền tỉ đổ sông đổ biển bởi một số quan chức thiếu trách nhiệm hoặc ăn cắp của công. Vẫn còn đó những doanh nghiệp quốc doanh con cưng kiếm chác trên đầu trên cổ người trồng lúa... Chặn đứng tiêu cực là một lẽ, cần đầu tư nhiều hơn nữa cho nông dân, nông thôn, nông nghiệp - khu vực và nhóm lao động đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Rõ là, phải đẩy lùi giặc nghèo rồi hãy mong những điều tốt đẹp, như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết từ hơn 30 năm trước trong bài Đánh thức tiềm lực: Hãy thức dậy đất đai. Cho áo em tôi không còn vá vai. Cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn... Xin bắt đầu từ cơm no áo ấm. Rồi đi xa hơn - đẹp và giàu, và sung sướng hơn...
Bình luận (0)