Việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới đây ban hành lệnh cấm đối với 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, trong đó có bài “Con đường xưa em đi”, đã thổi bùng phản ứng trong giới chuyên môn và dư luận xã hội. Lý do mà cơ quan này đưa ra khi quyết định dừng lưu hành ca khúc “Con đường xưa em đi” là vì “sửa lời so với bản gốc”. Tất nhiên, cơ quan quản lý có “cái lý” của mình khi ban hành lệnh cấm song lại gây bức xúc và phản ứng trong dư luận.
Có những ý kiến cho rằng việc cấm 5 ca khúc là không thuyết phục, thậm chí đó là sự cấm đoán tùy tiện và vô lý. Ngay Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cũng khẳng định việc cấm 5 ca khúc là cứng nhắc.
Khi mà vụ cấm 5 ca khúc chưa lắng dịu thì nổi lên việc đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” do Trường ĐH Y Dược Huế và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức gặp khó khăn do có 4 bài hát trong chương trình, gồm cả bài “Nối vòng tay lớn”, chưa được cấp phép phổ biến. Đến tận lúc này, tức là hơn 40 năm sau năm 1975, tất cả mới tá hỏa biết rằng ca khúc nổi tiếng “Nối vòng tay lớn” chưa được cấp phép biểu diễn dù rằng bài hát này đã được biểu diễn trong vô số chương trình ca nhạc cũng như các sự kiện chính trị lớn của đất nước mấy chục năm qua.
Từ vụ cấm bài hát “Con đường xưa em đi” tới ca khúc “Nối vòng tay lớn” chưa được cấp phép biểu diễn cho thấy bất cập rất lớn trong việc phổ biến hàng ngàn ca khúc sáng tác trước năm 1975 ở nước ta. Rất nhiều bài hát nổi tiếng, được lưu truyền rộng rãi suốt mấy chục năm, đứng trước nguy cơ bị cấm bất cứ lúc nào bởi lý do đơn giản: Chưa “xin” nên chưa “cho” như trường hợp ca khúc “Nối vòng tay lớn”.
Đổi mới căn bản của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992 là bước tiến vượt bậc trong việc bảo vệ các quyền con người và quyền công dân. Theo đó, công dân có quyền làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Với tinh thần này, thay vì cơ chế nặng về “xin - cho” như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nên ban hành một danh mục những bài hát trước năm 1975 bị cấm để những ca khúc nào không trong danh mục này có thể mặc nhiên được hát, trình diễn.
Có thể việc lên danh sách những bài hát bị cấm không dễ dàng với cơ quan quản lý song không thể vì thế mà đẩy cái khó về phía người dân và từ đó tiếp tục duy trì cơ chế “xin - cho”. Cơ chế này không chỉ đi ngược lòng dân, cản trở hội nhập mà còn có thể là kẽ hở cho tiêu cực nảy sinh.
Bình luận (0)