Buổi công khai xin lỗi “tử tù” Hàn Đức Long vào chiều 25-4, tại trụ sở UBND xã Phúc Sơn (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) diễn ra trong tình trạng hỗn loạn vì gia đình cháu bé nạn nhân xông lên phản đối. Họ xô đẩy với lực lượng công an và ném cả dép vào người đại diện TAND Cấp cao.
Làm... cho có
Sau buổi xin lỗi, ông Hàn Đức Long trở về nhà trong tình trạng vô cùng mệt mỏi. Ông còn bị tăng huyết áp, đau đầu dữ dội do bị tác động tâm lý. Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, không kịp cởi cả chiếc áo sơ-mi trắng mới mua còn nguyên nếp gấp để dành cho buổi xin lỗi công khai.
Người nhà cháu bé nạn nhân đã làm náo loạn buổi xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long vào ngày 25-4. Ảnh: NGUYỄN QUYẾT
Phải rất lâu sau khi bình tĩnh trở lại, ông mới bày tỏ sự thất vọng của mình. Ông cho biết cũng thông cảm với gia đình cháu bé nạn nhân vì nỗi mất mát mà họ phải gánh chịu. “Tôi là người bị oan, phải ngồi tù với bao nhiêu đau đớn, khổ cực suốt hơn 10 năm qua. Tôi không ngờ buổi xin lỗi lại diễn ra như vậy. Lúc này, tôi chỉ muốn nghỉ ngơi vì quá sợ hãi phải đối mặt với chuyện vừa qua” - ông Long nói.
Một vụ xin lỗi người bị oan sai phản cảm khác cũng diễn ra cách đây không lâu tại tỉnh Sóc Trăng. Sáng 28-10-2015, đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức buổi xin lỗi ông Phạm Văn Lé (SN 1963; ngụ phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu), bà Thạch Thị Xem (vợ ông Lé) và ông Phạm Văn Lến (SN 1975, em ông Lé). Cả 3 người bị khởi tố, bắt giam oan sau cái chết bất thường của một người đàn ông ngụ cùng phường.
Buổi xin lỗi không được thông báo cho người dân nơi gia đình ông Lé cư ngụ. Ba người bị oan được mời vào hội trường của nhà văn hóa thôn đóng kín cửa để làm thủ tục xin lỗi trong khoảng 15 phút. Không một người dân nào được cho vào hội trường chứng kiến buổi xin lỗi. “Tôi cùng em trai bị bắt giam oan gần 2 năm và phải trải qua nhiều phiên tòa nhưng VKSND tỉnh Sóc trăng lại tổ chức buổi xin lỗi cho có như thế thì không thể chấp nhận được” - ông Lé bức xúc.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, ngày 26-4-2016, VKSND và Công an huyện Nhơn Trạch tổ chức xin lỗi công khai bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, người bị bắt giam 4 ngày về hành vi chống người thi hành công vụ cũng là người tố cáo cát tặc với chính quyền. Thế nhưng, ngay trong ngày này, khi được mời lên tống đạt quyết định đình chỉ bị can, Công an huyện Nhơn Trạch lại ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Ngọc về hành vi cản trở kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ với mức phạt 2,5 triệu đồng. Sự việc này khiến dư luận không thể không băn khoăn. “Lẽ nào công an huyện không tâm phục khẩu phục trong việc nhận khởi tố sai nên đã cố “vớt vát” lại bằng một quyết định xử phạt hành chính?” - một người dân đặt vấn đề.
Nên có thiết chế về lời xin lỗi
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp ngày 26-4, rất nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long không được hoãn lại mà vẫn “cố gắng làm cho xong” và những quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này. Ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, giải thích luật hiện hành chỉ nói rằng việc xin lỗi phải nghiêm túc, công khai còn tổ chức ra sao, nội dung thế nào, thành phần tham dự là ai thì chưa được quy định rõ ràng. “Vì thế, tại cuộc xin lỗi ông Hàn Đức Long đã xảy ra tình trạng nhiều thành phần tham gia, một số người trong gia đình nạn nhân đã có hành vi vượt quá quy định” - ông Hưng phân tích.
Theo ông Trần Việt Hưng, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường đang được sửa đổi, trong đó sẽ quy định lại cụ thể địa điểm, thành phần, nội dung, trách nhiệm của cơ quan xin lỗi trong quá trình tổ chức xin lỗi công khai. Luật mới sẽ hạn chế việc gây rối khi quy định về phương án bảo vệ, tổ chức cuộc xin lỗi bảo đảm tính nghiêm minh, đúng vai trò trách nhiệm của nhà nước đối với người bị oan.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đánh giá việc xin lỗi trong thời gian qua diễn ra quá ngắn gọn. Khi làm sai thì đủ các loại nhưng xin lỗi thì lại rất đơn giản. Việc xin lỗi của các cơ quan chức năng phải bài bản, có trình tự, có lễ và được các tổ chức xã hội ghi nhận... Cần có cơ chế về việc xin lỗi phải thay đổi căn bản, hành lang pháp lý chặt chẽ hơn.
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) vào đầu tháng 4 vừa qua, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong nêu quan điểm: “Cơ quan làm sai không dũng cảm nhận cái sai nên luật phải cụ thể, bắt phải công khai xin lỗi. Bắt giữ thì hoành tráng nhưng xin lỗi làm oan công khai chưa đầy 2 phút, ngay cả lời văn xin lỗi cũng không có văn hóa tố tụng. Do vậy, nên có thiết chế về lời xin lỗi”.
Phải nghiêm túc, trang trọng
Luật sư Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty Luật Công Chính, đánh giá trong việc xin lỗi ông Hàn Đức Long, cơ quan chức năng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định hiện hành.
Việc trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai phải thực hiện nghiêm túc, trang trọng. Sau khi người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường trình bày lời xin lỗi, cải chính công khai đối với người bị thiệt hại, người bị thiệt hại phát biểu tiếp nhận lời xin lỗi và cải chính công khai. Người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường phải bảo đảm thời gian cho người bị thiệt hại hoặc người đại diện của họ phát biểu. Nghĩa là sau khi xin lỗi, phải có phần ông Hàn Đức Long tiếp nhận lời xin lỗi, phát biểu ý kiến của mình. Do vậy, TAND Cấp cao cần tham khảo ý kiến ông Long xem có cần tổ chức một buổi lễ xin lỗi khác hay không.
Bình luận (0)