Những khó khăn trong huy động nguồn lực để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là vướng mắc về đất đai, tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cũng như nhiều đại biểu (ĐB) nêu ra tại các phiên họp Quốc hội (QH) tuần qua.
Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ
ĐB Lê Thị Hồng (Bắc Giang) cho rằng đất đai manh mún, mô hình sản xuất nhỏ lẻ nên khó áp dụng cơ giới hóa, khó tiếp cận thị trường. Thêm vào đó, việc lạm dụng phân bón hóa học khiến người tiêu dùng trong nước ngày càng quay lưng với sản phẩm nông nghiệp.
“Nhà nước phải từng bước xóa bỏ bao cấp về nông nghiệp. Theo đó, việc nuôi con gì, trồng cây gì theo thời vụ như thế nào… nên để doanh nghiệp (DN) và người dân tự lo. Nhà nước chỉ tập trung vào quy hoạch các vùng và xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển” - ĐB Hồng đề xuất.
ĐB Quàng Văn Hương (Sơn La) nhấn mạnh hiện nay, nông dân phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng khi thu hoạch thì nông sản bị ép giá, không bán được. Khi bị mất mùa do thiên tai, người dân trắng tay; khi đau ốm, tai nạn thì họ phải bán đất đai, tài sản. Nhiều người phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình. “Đã 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nhưng đến nay, đời sống nông dân không được cải thiện nhiều” - vị ĐB đến từ Sơn La nhận định.
Phát biểu giải trình về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng 30 năm qua, nông nghiệp nước ta đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Tuy nhiên, nền nông nghiệp hiện nay vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ, manh mún; năng suất lao động, năng suất kinh tế thấp và đời sống nông dân vẫn rất khó khăn. Quy mô hàng hóa tập trung, công nghệ hiện đại, quản trị tốt chiếm tỉ lệ rất nhỏ; trong khi sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ không cao, rất khó kiểm soát an toàn thực phẩm, khó cạnh tranh. Chuỗi sản phẩm tạo ra hầu hết là sản phẩm thô, thị trường thiếu ổn định, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
“Đến nay, chúng ta chỉ có 4.000 DN, 12.000 hợp tác xã, 56.000 tổ hợp tác xã, 29.500 trang trại, cho thấy nhân tố chủ chốt trong tổ chức sản xuất hàng hóa lớn của chúng ta còn ít” - ông Cường băn khoăn.
Tháo nút thắt về đất đai
Về nguyên nhân nông nghiệp chưa thể “cất cánh”, ông Nguyễn Xuân Cường phân tích hàng loạt bất cập: Nhận thức tái cơ cấu chưa sâu rộng, chính sách ban hành nhiều nhưng khó đi vào cuộc sống, nguồn nhân lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu...
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nêu ví dụ: Theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP và Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, mục tiêu là làm sao thu hút được nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp. Thế nhưng, đến nay, Nghị định 210 bộc lộ rất nhiều bất cập, Thủ tướng đã yêu cầu chỉnh sửa để thu hút DN.
Ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị thời gian tới, cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn then chốt, tạo động lực cho sản xuất, trong đó nút thắt lớn nhất là về đất đai. “Tất cả DN, hợp tác xã, nông dân sản xuất hàng hóa lớn rất trông mong vào vấn đề này” - ông khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, thực tế tại những nơi mà ông từng đi kiểm tra, giám sát cho thấy nơi nào nông dân tích tụ được từ vài chục cho đến hàng trăm hecta thì đều có thể sản xuất hàng hóa và hội nhập được; không phải lo ngại việc nông dân mất đất, mất việc làm.
Ông Cường dẫn chứng: “Tại tỉnh Hải Dương, có một người canh tác 120 ha lúa đã xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản, áp dụng cơ khí hóa tất cả công đoạn. Một nông dân khác ở Hưng Yên trồng 120 ha chuối cũng xuất khẩu được qua Nhật Bản”. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiến nghị nếu QH cho phép sửa điều 129 Luật Đất đai 2013, không có hạn điền nữa, thì vấn đề tích tụ đất sẽ bảo đảm được đến ngưỡng cho phép.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) và ĐB Lê Thị Hồng cũng nhìn nhận nếu không có DN trụ cột trong chuỗi liên kết với nông dân qua tổ chức hợp tác xã thì rất khó hình thành vùng sản xuất lớn tập trung. Do đó, cần tiến hành tổng kết, đánh giá ngay việc thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất, nghiên cứu ban hành chính sách về tích tụ ruộng đất phù hợp với đặc điểm đời sống, văn hóa, tâm lý của từng vùng, từng miền nhằm thu hút, kêu gọi DN đầu tư.
ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng hiện nay, có rất nhiều yếu tố cản trở DN đầu tư vào nông nghiệp cũng như thiết lập các mối liên kết thị trường bền vững với nông dân. Đó là các cản trở về đất đai, về thủ tục tiếp cận, thiếu các khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ phù hợp.
“Không có DN dẫn dắt, không phát triển nông nghiệp theo hướng kinh doanh thị trường mới, hướng tới sản phẩm chất lượng cao, khối lượng lớn, phát huy lợi thế đặc sản khác biệt thì nông nghiệp sẽ không thể phát triển, nông thôn sẽ không thể khang trang, nông dân sẽ không thể giàu có” - ĐB Nguyễn Tuấn Anh nhận xét.
Quốc hội sẽ thông qua nhiều nghị quyết
Bước vào tuần làm việc thứ 4, QH sẽ nghe và thảo luận về Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); dự án Luật Quản lý ngoại thương; Luật Du lịch (sửa đổi); dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi).
QH cũng sẽ biểu quyết và thông qua các nghị quyết: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm (trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020), kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Hạn mức đất canh tác quá nhỏ
Điều 129 Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
- Không quá 3 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, TP trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, TP trực thuộc trung ương khác.
- Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn ở vùng trung du, miền núi.
Bình luận (0)