Ngày 29-5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo nhiều bộ, ngành cùng lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL đã thị sát tình hình xói lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn tại một số nơi của khu vực này để tìm giải pháp ứng phó.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi thuyền kiểm tra tình trạng sạt lở bờ biển tại tỉnh Cà Mau Ảnh: XUÂN TUYẾN
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết tình hình xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn các tỉnh ĐBSCL đã và đang diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô, uy hiếp trực tiếp các khu dân cư, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng và làm mất dần rừng phòng hộ ven biển, tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Cụ thể, toàn vùng hiện có 24 khu vực thường xuyên xói lở, tổng chiều dài khoảng 147 km, tốc độ xói lở từ 5-45 m/năm, dẫn đến trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất. Cùng với xói lở, bồi còn xuất hiện những khu vực xói, bồi xen kẽ gồm 4 khu vực với tổng chiều dài khoảng 95 km.
Theo báo cáo của các địa phương, trong những năm gần đây, rừng ngập mặn vùng ĐBSCL đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do vùng bãi bị sạt lở và giao rừng để nuôi trồng thủy hải sản. Từ năm 2011 đến 2016, diện tích rừng ngập mặn toàn vùng giảm gần 10%.
Qua các nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn quản lý đã xác định 7 nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ biển, phần lớn nguyên nhân là do con người. Đáng chú ý là nguyên nhân mất cân bằng bùn cát do việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển. Bộ NN-PTNT cũng thẳng thắn chỉ rõ việc xây dựng nhiều nhà ở, công trình hạ tầng ven biển, đê bao, bờ bao quá sát đường bờ biển đã làm gia tăng nguy cơ gây xói lở bờ biển.
Chiều cùng ngày, chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh phải nắm chắc diễn biến, ứng phó kịp thời, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và tài sản của người dân, có phương án sơ tán kịp thời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Về lâu dài, UBND các địa phương thực hiện nghiêm công tác quản lý bờ biển, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành động xây dựng công trình, nhà ở gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp; tổ chức quản lý chặt chẽ rừng phòng hộ ven biển. Đối với những khu vực sạt lở nếu cần thiết phải xây dựng công trình để bảo vệ bờ, đề nghị sắp xếp thứ tự ưu tiên, xây dựng phương án cụ thể, huy động các nguồn lực hợp pháp của địa phương để tổ chức xử lý; trường hợp vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.
Bộ NN-PTNT phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức lập quy hoạch tổng thể chỉnh trị bờ biển vùng ĐBSCL làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống sạt lở, hạn chế rủi ro thiên tai; xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp vùng ven sông, ven biển gắn với sinh kế của người dân...
Rà soát hệ thống quan trắc thủy
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà rà soát hệ thống quan trắc về thủy hải văn vùng ĐBSCL; tổ chức theo dõi và đánh giá hằng năm về tổng lượng bùn cát đến từ thượng nguồn và tổng lượng cát khai thác trong vùng ĐBSCL. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí ngân sách và nguồn vốn ODA tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là vùng ĐBSCL.
Bình luận (0)