Sau nhiều giờ vật lộn với những đoạn đường đèo dốc, chúng tôi cũng đến được suối Ia Kul, một trong nhiều điểm khai thác đá quý thuộc Tiểu khu 300 ở xã Cư Klông. Bất chấp thời tiết giá lạnh, hơn 200 người lấm lem bùn đất vẫn len lỏi giữa những vạt cây rừng đổ ngổn ngang hì hục đào xới.
Đá quý chỉ... 1 triệu đồng/kg!
Từ trên cao nhìn xuống, khu vực dọc suối Ea Tul chằng chịt những hố sâu ngang dọc. Những tảng đá lớn nằm sâu dưới lòng đất cũng bị xới tung, cây rừng bật gốc đổ xuống chồng chất chặn ngang dòng chảy. Thấp thoáng dưới tán rừng là lán trại kiên cố bằng khung thép, lợp tôn làm nơi nghỉ ngơi của những người đi tìm vận may.
Một điểm khai thác đá quý khác là suối Ia Bal chỉ cách khu vực Ia Kul chưa đầy 1 km nhưng chúng tôi phải mất gần 1 giờ mới đi đến được. Khe suối, bãi bồi, đồi núi ở đây cũng bị hàng trăm người đào xới khiến cây cối ngã đổ lổn ngổn. Do sườn đồi bị khoét sâu nên đất đá đã trôi xuống lấp nhiều đoạn suối Ia Bal. Những lán trại của “phu đá quý” cũng mọc lên cạnh đó.
Đã 12 giờ nhưng một nhóm 5 người vẫn còn hì hục khoét sâu vào góc núi, móc từng xẻng đất ra đãi. Thấy chúng tôi, một người đàn ông chừng 50 tuổi ngẩng lên chào rồi hỏi lớn: “Các chú viết báo à?”. Sự cởi mở của ông khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.
Chúng tôi còn được ông mời lên lán trại dùng cơm trưa. Bữa cơm giữa núi rừng hết sức đạm bạc. Nồi canh lớn nấu bằng rau rừng và nồi cá khô kho mặn từ nhiều ngày trước đủ để nói lên sự kham khổ, cơ cực của những người tìm kiếm vận may cuối năm.
Người đàn ông giới thiệu tên là Thành kể: “Tôi quê Hà Tĩnh, sống bằng nghề đào đãi vàng. Vài tháng trước, nghe người em họ ở Krông Năng báo tin khu vực này có nhiều đá quý nên tôi gọi thêm vài anh em cùng vào đãi đá. Chúng tôi đào xới gần 1 tháng rồi nhưng chưa gặp viên đá nào lớn cả. Lâu lâu mới gom được vài ký sapphire, thạch anh loại nhỏ bằng hạt gạo đem ra chợ bán, chỉ đủ mua sắm thức ăn, nước uống. Hết năm rồi, chúng tôi cố làm thêm ít ngày nữa, may đâu “trúng” chút đỉnh để về quê”.
Anh Long, một người trong nhóm ông Thành, cho biết khi tìm được đá quý, họ đem ra chợ Dlie Ya, xã Dlie Ya, huyện Krông Năng bán cho thương lái. “Giá cả tùy thuộc vào kích thước và loại đá. Thời gian đầu, thương lái thu mua khoảng 10 triệu đồng/kg, nay còn khoảng 2-3 triệu đồng, thậm chí có khi chỉ 1 triệu đồng” - anh rầu rĩ.
Theo cơ quan chức năng địa phương, dù khu vực này có nhiều loại đá quý nhưng dưới dạng sa khoáng, chất lượng kém. Trước đây, do tin đồn có người khai thác được viên đá quý bán được hàng trăm triệu đồng nên nhiều người đã đổ xô đến Tiểu khu 300 tìm kiếm, trong đó không ít phu vàng từ phía Bắc.
Vụ việc bắt đầu vào khoảng giữa tháng 9-2013, số người đến khai thác ban đầu chỉ 5-7 người. Đến tháng 11 và tháng 12-2013, số lượng người về đây ngày càng tăng, có thời điểm lên đến 500 người khai thác trên khu vực khoảng 5 km2 với gần 10 điểm lớn nhỏ.
Thuê đất trồng rừng rồi khai thác đá
Theo báo cáo của UBND huyện Krông Năng, những bãi khai thác đá quý tự phát tại Tiểu khu 300 nằm trong diện tích đất mà UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Trường Sơn thuê trồng rừng nguyên liệu.
Tháng 1-2013, HTX Trường Sơn giao lô đất số 2 - diện tích 9,5 ha, hiện bị nhiều người khai thác đá quý trái phép - cho ông Nguyễn Hồng Hải (quê Cà Mau) thực hiện dự án trồng rừng. Sau khi nhận đất, ông Hải không trồng rừng mà phối hợp với ông Lâm Văn Cà, cũng quê Cà Mau, đưa người và máy móc vào khai thác đá quý.
Ông Nguyễn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, cho biết: “Sau khi phát hiện những điểm khai thác đá quý trái phép ở xã Cư Klông, chúng tôi đã bố trí chốt công an để ngăn chặn, giải tỏa các khu vực có tình trạng khai thác trái phép. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan kiểm tra việc sử dụng đất lâm nghiệp của HTX Trường Sơn”.
Mới đây, ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi 303 ha đất lâm nghiệp ở Tiểu khu 300 của HTX Trường Sơn vì sử dụng sai mục đích.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, việc khai thác sapphire và thạch anh tại xã Cư Klông xuất phát từ người dân khai thác tự do. Đá quý ở đây dưới dạng sa khoáng, tập trung chủ yếu ở các thung lũng suối và bãi bồi ven suối, trữ lượng ít, có thể xếp chúng dưới dạng điểm khoáng sản có quy mô nhỏ. Chính vì vậy, việc đầu tư thăm dò, khai thác quy mô công nghiệp sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế.
Triển khai 120 đợt truy quét
Thượng tá Phạm Châu, Trưởng Công an huyện Krông Năng, cho biết đến nay, cùng với biện pháp tuyên truyền, vận động, lực lượng công an đã triển khai một tổ công tác 10 người thay nhau vào các địa điểm đào bới tìm kiếm đá quý để kịp thời nắm tình hình, ngăn chặn việc khai thác khoáng sản trái phép.
“Tổ công tác đã triển khai 120 đợt truy quét, đưa gần 600 đối tượng ra khỏi địa bàn và thu giữ nhiều phương tiện. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn lén lút đi bộ bằng nhiều con đường vào điểm khai thác. Đây lại là khu vực rừng núi, xa trung tâm nên cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong việc ngăn chặn, truy quét” - thượng tá Châu nói.
Bình luận (0)