Theo chân cán bộ xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, chúng tôi ghé thăm bà con “xóm Việt kiều”.
Lấy bến nước làm nơi trú ngụ
Xã Phước Minh có 251 người dân di cư tự do từ Campuchia về nên gọi là “xóm Việt kiều”. Vài năm trở lại đây, những người con đất Việt từ Campuchia trở về quê hương ngày một nhiều hơn. Đó cũng là gánh nặng đối với chính quyền địa phương. Vì hoàn cảnh khó khăn, họ co cụm lại trên một mảnh đất trống nào đó sát bên lòng hồ thủy điện Cần Đơn để dựng những túp lều bạt rồi tiếp tục cuộc sống trên sông nước kiếm kế sinh nhai.
Thôn Bình Tiến 1 của xã Phước Minh có hơn 30 hộ dân sống quây quần nhiều năm nay. Họ tá túc trong những ngôi nhà nằm sát nhau được dựng lên bằng những thanh gỗ cũ và lợp, đắp tôn. Mỗi ngôi nhà chừng 30 m2, một gia đình có 4-6 người cư ngụ. Xóm nghèo bỗng vui khi thấy khách lạ. Họ ôn tồn, hiền hòa thăm hỏi và sau đó say sưa kể về cuộc đời mình. Theo lời kể, các hộ dân đều từ Campuchia trở về nước sinh sống. Qua nhiều lần di chuyển nơi ở, cuối cùng họ lấy bến nước này làm nơi trú ngụ.
Bà Võ Thị Hấu (60 tuổi) cho biết gia đình bà nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên trên đất Campuchia, cũng không nhớ rõ gốc gác, nguyên quán nữa. Chỉ nhớ vào năm 1974, giữa lúc chiến tranh khốc liệt theo đoàn người Việt hành hương, gia đình bà bỏ tất cả tài sản, quay về Việt Nam sinh sống. Qua nhiều quãng đời “du mục”, cuối cùng gia đình bà về thôn Bình Tiến 1. Gia đình có 5 người, sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Mỗi mẻ cá kéo được, phần để ăn, còn bán lấy tiền đong gạo. Khi không có cá thì đi làm thuê. Ai kêu gì làm nấy, mùa nào việc đó để kiếm ăn qua ngày.
Cách nhà bà Hấu vài bước chân là nhà bà Nguyễn Thị Trong (59 tuổi). Hoàn cảnh gia đình bà Trong không khác gì bà Hấu. Gia đình bà Trong kết thúc cuộc sống lang bạt, dừng chân nơi chốn này đã được 5 năm. “Vất vả lắm các chú! Ngày sống trong căn chòi, cơm không đủ no, mặc chẳng đủ ấm. Gắng rồi cũng qua, chứ ở mãi thế này thì buồn lắm” - bà Trong than thở. Gia đình bà Trong có tới 13 người, sống bằng nghề đánh bắt cá, lúc mới về thì khó khăn gấp bội phần hiện nay.
Khác với bà con ở thôn Bình Tiến 1, tại thôn Bù Tam, hơn 40 hộ dân không ở trên bờ mà làm nhà nổi sống chênh vênh giữa lòng hồ. Họ co cụm, quây quần bên nhau. Mỗi khi cần di chuyển thì dùng ghe, xuồng máy. Xe máy cũng chỉ lèo tèo vài chiếc nên mỗi lần ra chợ, hay đi đâu họ phải nhường nhau để lên bờ. Theo người dân nơi đây, đa số người Việt từ Campuchia về nước sống tại xã Phước Minh từ đầu những năm 2000. Người Việt về đây từ nhiều tỉnh của Campuchia. Do bên nước bạn làm ăn khó khăn, cá bị đánh bắt nhiều, cạn nguồn sinh sống nên họ về nước với đôi bàn tay trắng, không giấy tờ tùy thân, không rõ gốc gác và không biết chữ.
Giấc mơ thành hiện thực
Tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đến nay cuộc sống của kiều bào đã có nhiều đổi thay; cái ăn, cái mặc đỡ phần lo toan hơn trước và đặc biệt, con em đã được đến trường. Đối với họ, điều đó tưởng chừng sẽ không bao giờ đến khi đặt chân về “xóm Việt kiều”.
Họ mừng rỡ khoe trẻ em trong xóm đã đoạn tuyệt với nỗi lo mù chữ. Nhà ai cũng có con em đến trường học chữ. Ông Đoàn Văn Được (ngụ thôn Bình Tiến 1) bày tỏ: “Ở thôn này các cháu đến tuổi đi học đều được đến trường. Tôi có 2 con nhỏ đã được đi học từ đầu năm học này. Vui hơn khi con cái đi học còn được miễn giảm nhiều khoản đóng góp, vợ chồng tôi mừng lắm. Vả lại, điểm trường không quá xa nên đưa đón cũng thuận tiện”.
Bà Nguyễn Thị Nhung, hàng xóm của ông Được, phấn khởi: “Đã nhiều thế hệ chúng tôi không biết chữ nên thật sự vui và hạnh phúc vì con em mình được học hành. Nỗi lo thất học, kiểu đời con lặp lại đời cha” từ nay coi như chấm hết!”.
Là người đảm đương công việc lo cho sự phát triển của địa phương và tận tình giúp đỡ bà con “xóm Việt kiều”, ông Hồ Đình Hiệu, Chủ tịch UBND xã Phước Minh, cho hay việc chăm lo, giúp kiều bào an cư cải thiện cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo cũng như giải quyết việc học hành cho con em họ gặp rất nhiều khó khăn vì liên quan đến thủ tục, chính sách.
“Bằng sự nỗ lực phấn đấu, chính quyền địa phương đã động viên và đã tạo mọi điều kiện cho 40 cháu đến trường. Đây là niềm vui rất lớn. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ vật chất và tinh thần để tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu đến trường” - ông Hiệu bày tỏ quyết tâm.
Vị lãnh đạo xã Phước Minh còn khoe tới đây có thêm 14 cháu sinh ra tại Việt Nam được đăng ký giấy khai sinh. Số còn lại sinh ở Campuchia đang trong thời gian chờ giải quyết.
Tuy đời sống còn muôn vàn khó khăn nhưng giấc mơ đến trường học chữ của những đứa trẻ tưởng chừng chỉ có trong mơ nay đã trở thành hiện thực. Một tia sáng cho những mảnh đời nhiều thế hệ phải lang bạt, kiếm kế sinh nhai trên vùng sông nước biển Hồ nay đã được mở ra. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều đứa trẻ như vậy nữa được đến trường. Và đây cũng sẽ là điểm tựa để những đứa trẻ nơi đây trong tương lai không còn cảnh lầm than như cha mẹ các em, bằng chính sự nỗ lực học tập của bản thân và trợ giúp của cộng đồng xã hội.
Tạo điều kiện cho bà con an cư lạc nghiệp
Cuộc sống của bà con “xóm Việt kiều” hiện nay còn khó khăn, nhiều người làm nghề tự do, không ổn định chỗ ở, hay di chuyển nơi khác. Do không có giấy tờ, nơi ở ổn định nên chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc cấp hộ khẩu, giải quyết việc làm, chính sách bảo trợ xã hội, tổ chức các lớp đào tạo nghề. Dù vậy, trong nhiều năm qua, địa phương cũng đã nỗ lực để tạo điều kiện cho bà con an cư lạc nghiệp. Đến nay, địa phương đã cấp được hộ khẩu cho 31 hộ, 125 nhân khẩu có giấy khai sinh, giấy kết hôn. Số còn lại là 31 hộ, 126 nhân khẩu đang chờ chỉ đạo của trung ương.
“UBND xã chúng tôi đã lập và trình UBND huyện dự án tái định cư cho đồng bào Việt kiều Campuchia đang sinh sống trên địa bàn. Trong đó, 90 hộ dân thuộc diện đã được đề nghị UBND huyện Bù Gia Mập giải quyết đất ở, cấp tái định cư để người dân được sinh sống ổn định. Khu đất để quy hoạch thuộc Tiểu khu 119 (thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập). Chúng tôi sẽ làm tất cả trong khả năng cho phép để bà con từ Campuchia về nước có cuộc sống ổn định và đàng hoàng hơn” - ông Hiệu nói.
Bình luận (0)