Quảng Ngãi không phải là tỉnh khó khăn và điều kiện tự nhiên khá tốt nhưng sao vẫn còn nhiều người nghèo đến thế? Thừa hưởng một vùng biển rộng lớn, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam, tài nguyên thiên nhiên khá trù phú, hạ tầng kinh tế được đầu tư ổn thỏa... nhưng tỉnh Quảng Ngãi vẫn không nâng nổi mức sống tối thiểu cho hàng vạn gia đình nghèo nơi đây. Thậm chí, trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi còn gửi công văn xin trung ương cấp gạo cứu đói cho người dân.
Nguyên nhân thất bại của chương trình giảm nghèo tỉnh này, phần nào đã được phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ thừa nhận: "Tiền đổ sông, đổ biển như thế phí quá!". Phần lớn tiền đưa về các địa phương không giúp được người dân thoát nghèo. Trong khi đó, cán bộ huyện lại đổ lỗi nghèo là do người dân bởi họ thiếu kiến thức... làm giàu. Kém cỏi như thế nhưng "sự nghiệp" giảm nghèo của địa phương này vẫn được tiếp tục khi UBND tỉnh ra kế hoạch trong 5 năm kế tiếp sẽ xin trung ương hơn 10.000 tỉ đồng để thực hiện.
Không chỉ Quảng Ngãi, hàng loạt địa phương khác cũng đang loay hoay với chương trình giảm nghèo. Tiền đổ ra như núi nhưng hiệu quả quá hạn chế. Hằng năm có đến cả chục tỉnh phải xin gạo cứu đói cho dân. Cả nước chỉ duy nhất tỉnh Bình Dương không còn hộ nghèo. Giữa thành phố vẫn có thể cảm nhận được cái nghèo. Hàng vạn bà mẹ rời bỏ mái nhà, rời bỏ đàn con tha hương cầu thực bằng thúng hàng rong nơi quán xá. Bao đứa trẻ cũng phải rời bỏ mái trường, lê la nơi phố thị, hầu mong kiếm chút tiền đỡ đần bố mẹ nuôi đàn em.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 2,31 triệu hộ nghèo (chiếm 9,79% so với tổng số hộ dân cư trên toàn quốc) và hơn 1,24 triệu hộ cận nghèo (chiếm 5,27%). Thủ tướng đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí 48.397 tỉ đồng. Tiền nào cũng là tiền của dân. Những bài học hoang phí, kém cỏi khi sử dụng đồng tiền này không sớm được ngăn ngừa thì người nghèo vẫn mãi hoàn nghèo.
Càng xót cho người nghèo, chúng ta càng giận dữ cho thói xa hoa lãng phí của không ít cán bộ. Trụ sở trăm tỉ, ngàn tỉ cứ nườm nượp mọc lên, xe công hàng hiệu cứ vung tay mua sắm, biệt phủ hoành tráng cứ đua nhau xây dựng... trong khi bát cơm của người nghèo hết tháng này qua năm nọ không đủ lưng bụng. Những diễn văn kể về thành tích của không ít cơ quan, địa phương được cán bộ lãnh đạo hùng hồn đọc lên không chút sượng sùng.
Sự nghèo đói là hình thức bạo lực tồi tệ nhất. Câu nói trên của nhà tư tưởng, chính trị Ấn Độ Mahathir Gandhi luôn là lời cảnh báo cho tất cả các nhà quản trị xã hội và của bất cứ quốc gia nào. Cái đói là thực tế phũ phàng. Lãnh đạo các địa phương hãy thôi tự mãn với những thành tích viển vông mà bắt tay vào giúp dân. Hãy nhìn vào chén cơm của người nghèo mà làm việc, vì đó chính là thước đo năng lực và cả phẩm hạnh của người cán bộ.
Bình luận (0)