Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến cuối năm 2016, số hộ nghèo và hộ cận nghèo chiếm tỉ lệ 22,4% trong tổng số hộ dân của toàn tỉnh. Trong đó, 25.392 hộ nghèo (chiếm 42%) ở khu vực miền núi. Gần 23.300 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm hơn một nửa tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Thậm chí, tại một số xã, sau nhiều năm làm công tác giảm nghèo, tỉ lệ hộ nghèo vẫn chiếm hơn 80%.
Nhiều dự án "chết yểu"
Nhìn vào con số trên, nhiều người không khỏi giật mình nếu đem so với số tiền giảm nghèo mà các địa phương đã nhận được trong những năm qua. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn giảm nghèo trung ương cấp cho Quảng Ngãi là hơn 6.700 tỉ đồng, riêng từ năm 2015 đến nay, con số này gần 1.000 tỉ.
Từ nguồn vốn này, rất nhiều công trình, dự án khác nhau được triển khai ở nhiều xã, huyện (chủ yếu ở các huyện miền núi) để hỗ trợ sản xuất, giúp người dân thoát nghèo. Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, hầu hết các dự án đều "chết yểu".
Người dân xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi nuôi bò Zebu được hỗ trợ từ dự án giảm nghèo
Xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi trong những năm qua đã nhận được hơn 10 tỉ đồng để đầu tư giảm nghèo. Hàng loạt dự án giảm nghèo như cấp cây giống, con giống… đã triển khai nhưng phần lớn không phát huy tác dụng. Trong đó, dự án cấp 22 con bò giống Zebu có tổng kinh phí 786 triệu đồng. Sau hơn 2 năm cấp bò, đến nay, 2 con đã chết, số còn lại không phát triển, thậm chí còn ốm hơn so với lúc đầu. Nguyên nhân dự án thất bại là do khí hậu Sơn Liên không phù hợp, nguồn thức ăn khan hiếm.
Tại xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, năm 2016, 20 hộ dân được cấp 40 con dê bách thảo với tổng kinh phí 190 triệu đồng. Thế nhưng, người dân dắt dê về nuôi chưa được bao lâu, 40 con lăn ra đổ bệnh, đến nay chỉ còn 3 con. Tương tự, cuối năm 2016, các dự án giảm nghèo đã cấp cho xã Ba Giang, huyện Ba Tơ 128 con dê giống với số vốn trên 500 triệu đồng nhưng số dê hiện giờ chỉ còn 19 con.
Ngoài hàng ngàn tỉ đồng cấp cho những dự án con giống, cây giống không phát huy hiệu quả, hàng ngàn tỉ đồng đầu tư vào các công trình xây dựng cơ bản nhằm giảm nghèo cũng thất bại. Đơn cử, hàng trăm công trình cung cấp nước sạch cho người dân từ chương trình giảm nghèo đến nay đã hư hỏng sau khi mới đầu tư.
Tiền đầu tư chảy thẳng ra sông
Nói về hàng loạt dự án giảm nghèo được đầu tư nhưng không phát huy hiệu quả, ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, lắc đầu: "Tiền đổ sông đổ biển như thế, lãng phí quá!".
Theo ông Thọ, ngoài số dự án giảm nghèo bước đầu có hiệu quả, những dự án còn lại "chết yểu" do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, chủ yếu do các địa phương không khảo sát chặt chẽ, không hỏi ý kiến người dân khiến mô hình giảm nghèo không phù hợp. Thậm chí, một số nơi không có đất vẫn cấp cây, không có điều kiện chăn nuôi vẫn cấp con giống...
Hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại quá trình đầu tư những dự án giảm nghèo, không để tình trạng mang hàng trăm tỉ đồng đổ sông đổ biển như thế.
Trong khi đó, ông Hoàng Như Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, cho rằng ngoài việc chọn cây gì, nuôi con gì thoát nghèo, một nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém là do nhận thức của đại đa số người vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, không biết làm kinh tế dẫn tới cấp cây, con giống về bỏ hư hỏng.
"Tâm lý người dân hết sức tự ti. Họ luôn cảm thấy nghèo là mặc cảm, đã vậy kiến thức làm giàu lại hạn chế. Họ cần mình phải cầm tay chỉ việc, chứ chỉ hướng dẫn là họ không nhớ. Người dân thiếu kiến thức thì có hỗ trợ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng, họ vẫn nghèo" - ông Lâm băn khoăn.
Năm 2016-2020, thêm hơn 10.000 tỉ đồng
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, tỉnh phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo 1,5%-2%/năm, riêng các huyện miền núi giảm 4%/năm. Tổng vốn thực hiện chương trình giảm nghèo trong 5 năm tới khoảng 10.700 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 10.184 tỉ đồng, ngân sách địa phương 381 tỉ đồng và vốn huy động 140 tỉ đồng.
Bình luận (0)