Ngày 3-12, trả lời báo chí, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết đã gửi công văn đến chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nêu rõ thẩm quyền xử lý biệt thự của ông Ngô Văn Quang (Giám đốc Công ty Vàng Phước Minh, tỉnh Quảng Nam) xây trái phép trên đèo Hải Vân là của UBND TP.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 28-11, UBND TP Đà Nẵng có công văn chỉ đạo UBND quận Liên Chiểu tạm ngưng tháo dỡ biệt thự xây dựng trái phép của ông Quang. Trong khi đó, ngày 30-11 là hạn cuối mà ông Quang phải tháo dỡ công trình vi phạm, nếu không sẽ bị cưỡng chế theo quyết định của UBND cùng nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên lạc với ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (người ký công văn tạm ngưng tháo dỡ biệt thự), để trao đổi về việc xử lý công văn của Thanh tra Chính phủ. Ông Tuấn cho rằng thẩm quyền trả lời vấn đề này là của ông Trần Đình Quỳnh, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng. Trong khi đó, ông Quỳnh lại khẳng định chưa nhận được công văn của Thanh tra Chính phủ. Theo ông, việc xử lý biệt thự chỉ tạm ngưng, đợi kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ.
Ông Trần Thọ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cũng cho rằng việc tạm ngưng xử lý biệt thự của ông Quang là do trước đó, Thanh tra Chính phủ có văn bản gửi HĐND TP về việc sẽ thành lập đoàn kiểm tra. Theo đó, Thanh tra Chính phủ lập đoàn kiểm tra tại Đà Nẵng, gồm cả biệt thự của ông Quang và đề nghị tạm ngưng xử lý để thực hiện. Kiểm tra xong, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 25-12.
Trước đó, trong cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 8-7, ông Trần Thọ với tư cách là chủ tịch HĐND TP đã lấy biểu quyết tập thể về việc tháo dỡ biệt thự trái phép của ông Quang. 100% đại biểu tham dự đã đồng ý đề nghị này và thống nhất đưa ra nghị quyết. Trong kỳ họp sắp diễn ra, HĐND TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục đưa vấn đề này ra chất vấn.
Ngày 3-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Thọ khẳng định: “Nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng buộc ông Ngô Văn Quang phải tháo dỡ công trình đã xây dựng trái phép là hoàn toàn đúng với luật, không có gì để bàn cãi”. Theo ông Thọ, nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng vẫn đang có hiệu lực. Chưa ai có quyền hủy bỏ nghị quyết này. Tất cả phải làm theo nghị quyết, kể cả chủ tịch HĐND TP cũng không có thẩm quyền bãi bỏ.
Ông Thọ cho rằng trong trường hợp nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng sai luật, trái với Hiến pháp thì Thủ tướng Chính phủ có quyền chỉ đạo tạm dừng để làm rõ. Ngoài ra, Thường vụ Quốc hội mới là cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ nghị quyết của HĐND TP nếu nghị quyết này có sai phạm.
Bình luận (0)