Đề cập tới việc thua lỗ của các dự án ngàn tỉ trong phiên chất vấn chiều 15-6 tại Quốc hội, Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình: "Ngoài 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn nhiều ngàn tỉ đồng đã được báo cáo Quốc hội thì đến nay còn bao nhiêu dự án rơi vào tình trạng tương tự? Chính phủ có giải pháp gì để phát hiện và giải quyết kịp thời những dự án có dấu hiệu để hạn chế thất thoát, lãng phí? Để xảy ra tình trạng những dự án như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai?"
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cho biết Chính phủ đã rất công khai minh bạch thông tin, báo chí cũng đã đăng tải cơ bản về 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn. Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội về vấn đề này.
Theo Phó Thủ tướng, những dự án này sẽ được cơ cấu, sắp xếp lại tinh thần không dùng ngân sách trả nợ, xử lý theo cơ chế thị trường và xử lý nghiêm vi phạm của tổ chức, cá nhân. Thủ tướng cũng thành lập ban chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban để khắc phục hậu quả này.
ĐBQH Trần Văn Tiến - tỉnh Vĩnh Phúc chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: Quochoi.vn
Trước câu hỏi của đại biểu là ngoài 12 dự án trên còn dự án nào không, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình thẳng thắn cho rằng là còn. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát báo cáo để Chính phủ có giải pháp xử lý như với 12 dự án "đắp chiếu".
"Nhưng giải pháp cơ bản là làm sao không còn những dự án thua lỗ, thất thoát. Trách nhiệm các ngành, các cấp là chấp hành đúng nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp lại doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, cơ cấu lại ngành nghề, tăng cường thực hiện các chỉ đạo về cơ chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm vi phạm" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình trả lời chất vấn đại biểu - Ảnh: Quochoi.vn
Trước đó, báo cáo trước QH trước khi bước vào phiên chất vấn chiều nay, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh việc tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn, có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách.
Đồng thời thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020, trong đó hoàn thành cổ phần hóa 137 doanh nghiệp; phấn đấu đến hết năm 2020 Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp.
Không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản của nhà nước; tính đúng, tính đủ giá trị, quyền sử dụng đất, thương hiệu, triển vọng phát triển của doanh nghiệp.
Bình luận (0)