Mỗi ngày, hàng chục tấn rác thải trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được vận chuyển về các bãi tập kết để xử lý. Tuy nhiên, với lý do nguồn kinh phí hạn hẹp, các đơn vị chủ quản không tuân thủ quy trình xử lý nên chính những nơi chuyên xử lý rác thải lại gây ô nhiễm môi trường.
Thở không nổi!
Hằng ngày, bãi rác ở xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận hàng chục tấn rác thải các loại của TP này. Tuy nhiên, do quá tải cộng với việc xử lý rác thải không đúng quy trình nên nhiều năm nay, bãi rác này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân xung quanh.
Bãi rác xã Cư Êbur nằm trên một ngọn đồi. Rác thải được chất thành từng đống cao ngút mà không có tường rào ngăn cách với khu vực bên ngoài. Nguồn nước thải chưa qua xử lý từ bãi rác này bốc mùi thum thủm và được xả trực tiếp ra đất canh tác của người dân lẫn con suối trong thôn.
Ông Bùi Văn Hiển, thôn trưởng thôn 8, xã Cư Êbur, cho biết bãi rác nằm trên một ngọn đồi cao, hướng gió thẳng vào thôn nên gần như toàn bộ 675 hộ dân nơi đây đều “hưởng” mùi thối từ bãi rác.
Theo anh Lê Văn Nam (ngụ thôn 8, xã Cư Êbur), mùi thối từ bãi rác cứ phả vào nhà suốt ngày đêm và ngày càng kinh khủng. “Trời mưa, mùi thối từ bãi rác bốc lên không chịu nổi. Trời nắng, người ta cho đốt rác thì khói bụi bốc lên mù mịt. Còn ruồi, muỗi lúc nào cũng dày đặc khiến chúng tôi phải đóng kín cửa suốt ngày” - anh Nam than phiền.
Còn anh Lê Văn Dũng (ngụ cùng thôn) rất bức xúc vì gần 2 ha đất trồng của gia đình anh bị nước từ bãi rác chảy vào khiến các loại cây chết hết, đất trồng cũng không thể canh tác được nữa.
Tương tự, bãi rác tập trung của huyện Cư M’gar nằm ở xã Quảng Tiến cũng khiến cuộc sống người dân gần đó gặp khốn khó. Bãi rác này chỉ rộng khoảng 0,5 ha nhưng mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 15 tấn rác thải sinh hoạt của huyện. Không chỉ là nơi chôn lấp chất thải sinh hoạt hằng ngày, bãi rác trên còn là nơi tiêu hủy xác động vật dịch bệnh.
Ông Cao Xuân Cảnh, một người dân sống cạnh bãi rác, cho biết những hôm trời gió to, túi ni-lông, mảnh xốp, giấy bẩn cứ tấp vào nhà, kèm theo đó là mùi hôi thối khiến không khí vô cùng ngột ngạt.
“Điều mà người dân ở đây bất an hơn cả là với lượng rác thải lớn và cách xử lý thủ công thì chắc chắn chất thải sẽ ngấm vào lòng đất làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt” - ông Cảnh lo lắng.
Thiếu kinh phí, dân tiếp tục chịu trận
Ông Võ Quang Hân, Chủ tịch UBND xã Cư Êbur, cho biết: “Rất nhiều hộ dân khu vực quanh bãi rác thải kiến nghị UBND xã giải quyết vấn đề ô nhiễm, kỳ họp tiếp xúc cử tri nào người dân cũng than phiền. Chúng tôi cũng đã kiến nghị UBND TP Buôn Ma Thuột và đơn vị quản lý bãi rác là Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk xử lý vấn đề trên nhưng họ chưa có phương án khắc phục hiệu quả” - ông Hân nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2008, UBND tỉnh Đắk Lắk triển khai dự án bãi rác tại xã Cư Êbur mới với diện tích 22 ha. Tuy nhiên, sau một thời gian xây dựng, dự án bị đánh giá là không khả thi nên UBND tỉnh cho dừng lại, chuyển sang đầu tư tại một địa điểm khác nhưng do thiếu kinh phí nên chưa thực hiện được. Vì vậy, người dân sống xung quanh bãi rác ở Cư Êbur vẫn phải chịu tình trạng ô nhiễm trong thời gian tới.
Đối với bãi rác tại xã Quảng Tiến, ông Trần Tuấn Ngọc, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cư M’gar, cho biết địa phương đã có quy hoạch xây dựng bãi rác mới rộng 10,5 ha trên địa bàn xã Ea H’đing. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên dự án này hiện cũng đang nằm trên giấy.
“Chúng tôi đã thực hiện một số biện pháp như: đốt, san lấp, phun hóa chất tiêu độc khử trùng nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện nhiều” - ông Ngọc thừa nhận.
Xin tiền đóng phạt
Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk đã bị phạt nhiều lần vì vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk ngày 18-7-2013, đơn vị này đã xả nước rỉ rác có thông số coliform vượt quy chuẩn cho phép về chất thải 42 lần.
Cuối năm 2010, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã thanh tra và kết luận Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk có nhiều sai phạm trong vấn đề bảo vệ môi trường. Từ kết luận này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định xử phạt công ty 118 triệu đồng.
Điều đáng nói, ngay sau khi nhận được quyết định xử phạt, công ty đã có công văn đề nghị tỉnh hỗ trợ 118 triệu đồng để… nộp phạt nên quyết định không được thực thi.
Bình luận (0)