xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xứ sở của anh tài

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Miền Tây Nam Bộ không chỉ là vùng đất của sản vật, của tính khí bộc trực đặc thù mà là chốn địa linh đã sinh ra bao hào kiệt làm rạng rỡ cõi phương Nam và đất nước về nhiều mặt

Nhắc đến các anh hùng thời đại quê xứ Nam Bộ, người ta nghĩ ngay đến nữ tướng Nguyễn Thị Định - vốn được sinh ra bên bờ sông Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1965, đã nhận định về bà: “Phó Tổng Tư lệnh Quân Giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Như là huyền thoại

Năm 1965, bà Nguyễn Thị Định được Bác Hồ và Bộ Chính trị giao nhiệm vụ Phó Tư lệnh Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Nếu ai đó còn hoài nghi về tài cầm quân của bà, xin tìm hiểu về trận càn Johnson City tháng 2-1967. Hay năm 1970, căn cứ đầu não của cách mạng một lần nữa thoát nạn nhờ óc phán đoán nhạy cảm và tổ chức chiến trận tài tình của bà.

Những người có mặt trong cuộc hành quân dời căn cứ sau đó giật mình: “Năm ấy, Trung ương Cục không có Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định biết chớp thời cơ, dám chịu trách nhiệm, biết phán đoán tình hình, kiên quyết không di chuyển về phía địch đang chờ sẵn... thì cơ quan Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ ra sao?...”.

Khuôn viên đền thờ và mộ cụ Đồ Chiểu ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre  Ảnh:  HẢI NGUYỄN
Khuôn viên đền thờ và mộ cụ Đồ Chiểu ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre Ảnh: HẢI NGUYỄN

Bà chính là người khởi xướng và lãnh đạo phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre - sau đó lan rộng khắp Nam Bộ, tạc nên vóc dáng hiên ngang của người phụ nữ miền Nam. Bà cũng chính là vị tướng của đội quân tóc dài, là người sáng lập ra chiến pháp đặc sắc “Ba mũi giáp công” để sử dụng hiệu quả nhất trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

Vào thắp hương trong đền thờ của bà trên đất Giồng Trôm, mới hiểu phía sau những huyền thoại lung linh có những giọt lệ số phận mà vị tướng lĩnh đã can đảm giấu đi: Chồng rồi người con trai duy nhất của bà lần lượt hy sinh và mất sớm. Tuy nhiên, những cơn bão của phong trào yêu nước do chính bà khởi xướng, của tầm vông và tóc dài hậu thuẫn phía sau đã giúp bà đứng thẳng hiên ngang cùng bức tường thành cách mạng miền Nam.

Không hiểu sao trong làn khói hương xanh lơ, tôi tự nhiên nhớ đến những bước chân Công chúa Huyền Trân. Lạ lùng chưa, một liễu yếu đào tơ trong tấm áo năm tà bước chân xuống thuyền từ 700 năm trước mà sóng ba đào vì nước vẫn lan tỏa đến mấy trăm năm sau, trong vóc dáng một nữ tướng áo bà ba đen, quàng chiếc khăn rằn quen thuộc, đầu đội mũ tai bèo duyên dáng…

Trung hiếu, tiết nghĩa

Về thăm lăng mộ cụ Đồ Chiểu trên đất Ba Tri (Bến Tre), nghe người dân vẫn đọc Lục Vân Tiên dọc đường dọc sá. Giữa thời buổi internet cởi xiêm y dễ như bóc chuối mà các cụ vẫn: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/ Nàng là phận gái ta là phận trai” thì thật là thú vị, đáng mừng cho việc giữ gìn vốn cổ. Người miền Tây vốn mê và thuộc Lục Vân Tiên là bởi cái chất trọng nghĩa khí đặc trưng Nam Bộ của nhân vật, tác phẩm: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

Riêng cụ Đồ Chiểu thì đứng nhất ở văn tế. “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ được nhiều người Việt Nam thuộc lòng. Dân gian còn truyền chuyện ghét Tây của cụ. Cụ đi trên đường mà gặp đường nhựa của Tây thì cụ lội xuống ruộng bùn mà đi. Ghét Tây đúng kiểu “nhà nông ghét cỏ” như cụ quả nhiên có một không hai.

Lại nhớ bài thơ cụ Đồ Chiểu truy niệm danh sĩ Phan Thanh Giản: “Minh sinh chín chữ lòng son tạc/ Trời đất từ rày mặc gió thu”. “Minh sinh chín chữ” là chín chữ ông Phan trước khi chết dặn con cháu đề lên mộ “Hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cữu” (Linh cữu người học trò già ở góc biển, họ Phan).

Phan Thanh Giản là vị tiến sĩ khai khoa của Nam Kỳ lục tỉnh; là nhà sử học lớn bởi từng làm Tổng tài phụ trách công việc biên soạn bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, chép lịch sử dân tộc từ đời Hùng Vương cho đến năm Chiêu Thống 3 (1789), gồm cả thảy 52 quyển. “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cùng với “Đại Việt sử ký toàn thư” (chép sử từ nguồn gốc đến năm 1675) là 2 bộ quốc sử lớn nhất được khắc in toàn bộ trong thời đại phong kiến Việt Nam. Bi kịch đến với ông trong những năm cuối đời. Sau khi 3 tỉnh miền Tây rơi vào tay giặc, ông tuyệt thực suốt 17 ngày rồi uống thuốc độc tự tử ở tuổi 71, dặn con cháu không được cộng tác với Pháp và tự tay viết “chín chữ minh sinh” nói trên.

Thế nhưng, đã có một thời gian dài, ông bị xem là kẻ bán nước. Nỗi đau lòng và tính bi kịch của Phan Thanh Giản là một mặt ông cùng “chủ hòa” với triều đình, rất mực trung thành với nhà vua; mặt khác, ông lại nặng lòng yêu nước thương dân. Mâu thuẫn đó đã đẩy ông đến chỗ bế tắc và chỉ còn biết lấy cái chết để bày tỏ nỗi lòng của mình. Phải đến gần đây, Viện Sử học Việt Nam mới tổ chức hội thảo minh oan cho ông.

Trên cơ sở kết luận của Viện Sử học Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa đã hướng dẫn một số hình thức tôn vinh cụ Phan Thanh Giản. Ngày 5-8-2008, tại Văn Thánh Miếu, tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức lễ giỗ lần thứ 141 cụ Phan Thanh Giản và đón nhận tượng đồng chân dung cụ Phan do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phụng hiến. 141 năm kể từ ngày Phan Thanh Giản mất và hơn 3 thập niên suy ngẫm, lần đầu tiên, lễ giỗ cụ đã làm nhẹ lòng người.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-5

Kỳ tới: Lòng không muốn về

Lẫy lừng Hồ Biểu Chánh

Một kỷ lục khác là hễ nói về văn chương miền Tây, không thể không nhắc đến kỷ lục trang viết của tiểu thuyết gia Hồ Biểu Chánh. Ông để lại gia tài văn học đồ sộ với trên 100 tác phẩm, trong đó có 64 cuốn tiểu thuyết. Đuổi kịp về số lượng trang viết với Hồ Biểu Chánh có chăng là Lê Văn Trương (nhà văn).

Nếu Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của... là những người tiên phong đặt nền móng cho chữ quốc ngữ thì Hồ Biểu Chánh là một trong những người đã làm cho quốc ngữ được phong phú. Ông đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của văn học Việt Nam. Điểm đặc biệt là văn ông rất Nam Bộ. Đọc ông, người ta thấy cả con người và xã hội đồng bằng sông Cửu Long vào giai đoạn 1920-1940.

Hiện có cả một trang web lập ra, ngoài đăng tải tác phẩm của ông còn xây dựng bộ từ điển giải thích từ ngữ Nam Bộ sử dụng trong tác phẩm Hồ Biểu Chánh. Kỳ công như thế cũng là số 1!

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo