TS - bác sĩ (BS) Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP HCM), cho biết điều đáng mừng là đa phần thai phụ nhiễm HIV tìm đến BV đều chấp thuận hợp tác với BS để cứu con mình. Để đạt được sự đồng thuận đó, theo BS Tuyết, việc giúp những người mẹ giải tỏa gánh nặng tâm lý tuyệt vọng, đau khổ, mặc cảm là điều quan trọng nhất.
Bằng chứng sống
Phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP HCM, Hội Phòng chống HIV/AIDS TP và nhiều tổ chức xã hội khác, BV Hùng Vương có một nhóm hỗ trợ riêng dành cho thai phụ nhiễm HIV. BV có Phòng Tham vấn gồm nhiều BS, nữ hộ sinh, tham vấn viên được đào tạo đặc biệt. Ngoài việc hỗ trợ, tham vấn cho các bà mẹ có HIV trong quá trình chăm sóc thai, họ còn có một nhiệm vụ khó khăn: thông báo cho thai phụ khi kết quả xét nghiệm máu dương tính với HIV.
"Để những thai phụ dễ dàng mở lòng, tin tưởng hơn rằng họ có thể thấy con mình khôn lớn, khỏe mạnh, Phòng Tham vấn còn có sự xuất hiện của các tư vấn viên đồng đẳng do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP HCM, Hội Phòng chống HIV/AIDS TP… hỗ trợ. Họ là những phụ nữ từng trải qua cảnh ngộ tương tự, là những bằng chứng sống" - BS Tuyết khẳng định.
Khi đến Phòng Tham vấn BV Hùng Vương, chúng tôi được giới thiệu làm quen với chị A. - một tham vấn viên. Chị từng là người mẹ nhiễm HIV, từng trải qua những tháng ngày thai nghén đầy đau khổ, mặc cảm không khác gì những phụ nữ đến nhờ chị giúp đỡ sau này. Chị A. hiền lành, dáng người hơi gầy nhưng khỏe mạnh và vui vẻ. Ngày chị là một thai phụ có HIV đã 21 năm trước. Chị phải vừa chiến đấu với mầm bệnh vừa nuôi con suốt ngần ấy năm, trong đó có 15 năm làm mẹ đơn thân vì chồng đột ngột qua đời.
"Khi người ta tìm đến Phòng Tham vấn, trước tiên tôi kể về mình để họ hiểu rằng tôi cũng từng giống họ. Bây giờ, tôi vẫn có thể ngồi trước mặt họ dù con gái tôi đã 21 tuổi" - chị A. quả quyết.
Ngoài tham vấn, chị A. và cả những người từng đảm nhận vị trí như chị còn có trách nhiệm làm bạn với những thai phụ kém may mắn để giúp họ xua tan những đau khổ, mặc cảm. Chị ở bên cạnh khi họ sinh nở. Nếu họ đơn độc, chị đưa cả hai mẹ con đến BV nhi để xét nghiệm vào những mốc thời gian yêu cầu sau khi sinh. Hơn hết, chính hình ảnh của chị - một phụ nữ vẫn khỏe mạnh sau hơn 20 năm mang trong mình virus HIV, một người mẹ đơn thân nuôi con thành tài và vẫn lao động, sống lạc quan - là bằng chứng sống đầy sức thuyết phục mà nữ giám đốc BV Hùng Vương đã trân trọng nhắc đến.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm trẻ có HIV tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số II (Hà Nội) Ảnh: Ngọc Dung
Theo BS Nguyễn Thị Ánh Vân, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, phụ trách chính Chương trình Dự phòng nhiễm HIV từ mẹ sang con của BV Hùng Vương, nếu một phụ nữ được xác định có thai, trong lần khám đầu tiên, họ sẽ được tư vấn và tiến hành các xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm HIV. Nếu kết quả dương tính, họ sẽ được chuyển sang Phòng Tham vấn để nhận kết quả cũng như tư vấn các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
"Năm vừa qua, Phòng Tham vấn tiếp nhận đến 280 bà mẹ như thế. Có năm, số thai phụ lên đến 300 người và chưa có ai từ chối tham gia chương trình dự phòng. Những người mẹ ấy nếu đã quyết giữ thai đều mong mỏi con mình sẽ được ra đời với một cơ thể khỏe mạnh, không phải đeo mang mầm bệnh nghiệt ngã từ khi lọt lòng" - chị Vân cho biết.
Nâng đỡ tinh thần
BS Nguyễn Thái Minh, Trưởng Khoa Truyền nhiễm BV Đa khoa Đống Đa (TP Hà Nội), cho rằng thai phụ có HIV sẽ đối diện nỗi lo âu và sợ hãi rất lớn. Thế nhưng, với những bước tiến đáng kể trong điều trị và dự phòng, họ hoàn toàn có khả năng sinh ra đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh nếu được tư vấn, theo dõi và điều trị đúng mức.
"Nâng đỡ tinh thần là một trong những bước không thể thiếu trong quá trình tham vấn bên cạnh những xét nghiệm và quy trình thường quy trong theo dõi thai kỳ" - BS Minh nhìn nhận.
Theo BS Minh, chương trình phòng lây nhiễm từ mẹ sang con đang được thực hiện rất tích cực ở các cơ sở y tế. Tất cả trường hợp phụ nữ mang thai, nhiễm hay phơi nhiễm HIV đều có chế độ chăm sóc, theo dõi và dùng thuốc theo chỉ định của BS. Song song với việc kiểm tra tình hình thai nghén theo định kỳ, tình trạng lâm sàng của HIV cũng được kiểm tra chặt chẽ và tùy theo thời điểm sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.
BS Minh cũng cảnh báo tỉ lệ người trẻ có HIV ngày càng nhiều, trong đó nguồn lây chủ yếu là qua đường tình dục - khác với những năm trước là qua tiêm chích ma túy. Ông lo ngại: "Tại Khoa Truyền nhiễm BV Đa khoa Đống Đa, trong những nhóm bệnh nhân được quản lý mới đây, nhiều trường hợp ở lứa tuổi 8X, 9X. Nhiều người nhiễm HIV sinh năm 1996-1997 cũng đăng ký điều trị ngoại trú tại BV này".
5.600 trẻ có HIV
Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đến thăm, tặng quà cho trẻ có HIV đang được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số II (huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Ước tính, số trẻ dưới 15 tuổi có HIV tại Việt Nam là 5.600. Trong đó, gần 5.000 trẻ đang được điều trị thuốc kháng virus (ARV), còn lại được điều trị dự phòng. Nhiều trẻ có HIV đã mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, ngành y tế cùng các cấp, ngành đã triển khai nhiều hoạt động để bảo đảm quyền cho trẻ có HIV không bị phân biệt đối xử, quyền được học hành, nhất là quyền được chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ nhiễm hoặc ảnh hưởng bởi HIV chưa có cơ hội đến trường, chưa có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, chưa được vui chơi, hòa nhập cộng đồng như những trẻ bình thường.
Kỳ tới: Đường đến… âm tính
Bình luận (0)