xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xuân muộn trên dòng Thị Vải

Bài-ảnh: Thu Sương

(NLĐO)- Trở lại sông Thị Vải sau ba năm “sự cố” Vedan, dù nước sông đã trong xanh, người dân vẫn chưa thể hy vọng sẽ tìm được lại thời huy hoàng của những chuyến đánh bắt kiếm bộn bạc, với những đùng tôm thu lời bạc tỉ... Dẫu vậy, họ vẫn gác lại những nỗi lo để đón mùa xuân mới thư thái, sau mười mấy năm sống trong bức xúc vì ô nhiễm giết chết dòng sông.

img
Gỡ hơn 300 m lưới, vợ chồng ông Tháo chỉ thu được vài con tôm tít và cua
 
Cá về sông

Ấp 1A, xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai, nằm cạnh Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN (Vedan), những ngày giáp tết vẫn vắng vẻ. Số tiền đền bù ít ỏi từ công ty Vedan các hộ dân ở đây chủ yếu dùng cho việc trả bớt nợ và tu bổ lại phương tiện hơn là để dành "xài Tết" nên ai nấy đều mong chờ từng ngày sông Thị Vải sống lại.
 
Vừa đi ghe về, ông Võ Văn Giác kể bằng giọng đều đều về những thay đổi gần đây của con sông mà một đời ông gắn bó. Ừ, thì tôm cá đã kéo về, dù số lượng không nhiều như trước kia. Những loài cá có giá trị kinh tế cao: cá mú, cá chẻm, cá dứa… hai năm nay dân đánh lưới đã gặp trở lại. Thế nhưng, cũng có những loài trước kia vốn "nhiều không kể xiết" nhưng đến nay vẫn biệt tích, như: cá đuối, cá hanh, cá đù…
 
img
Những ao tôm của nông dân dọc sông Thị Vải  phải bỏ hoang do nguồn nước bị ô nhiễm vào những năm trước. Ảnh: KIM CƯƠNG
 
img
Người dân đã trở về sống bên dòng Thị Vải như xưa
 
Cũng đánh bắt ở khúc sông gần công ty Vedan, ông Trần Văn Nhật, ngụ ấp Phước Hưng, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu từ lâu đã coi nơi đây là cảnh nhà của mình. Từng đoạn sông, từng luồng lạch nông sâu cho đến cảnh đêm đêm cánh bạn chài của ông ới nhau đi thả lưới...
 
Rồi những năm 2000, đoạn sông chết tức tưởi vì ô nhiễm môi trường, tôm cá vắng bóng ông phải dời "nhà" xuống những vùng bên dưới mưu sinh. Giờ đây niềm vui của ông Nhật là đã về "địa bàn cũ", dù không được “huy hoàng” như trước kia, nhưng thu nhập 300.000- 400.000 đồng/ngày cũng đủ trang trải trong gia đình.
 
Người về nhà

Chúng tôi theo ghe đánh lưới của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tháo xuôi dòng Thị Vải từ Đồng Nai qua Bà Rịa- Vũng Tàu. Dòng nước đã trong xanh và không còn mùi tanh ói xộc vào mũi như trước kia. Song, người dân nơi đây vẫn chưa lạc quan nhiều về viễn cảnh tương sáng khi dọc theo dòng Thị Vải ngoài Vedan còn có hàng trăm nhà máy, cơ sở công nghiệp hoạt động.
 
Chỉ riêng địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 7 khu công nghiệphoạt động trên lưu vực sông Thị Vải, mỗi ngày phát sinh 322 tấn chất thải rắn thông thường và 30 tấn chất thải rắn nguy hại. Người dân nơi đây vẫn thường phải chịu mùi hôi thối từ dòng nước ô nhiễm và những dòng nước màu lạ bí ẩn xuất hiện trên dòng sông, không biết đến từ đâu.
 

Theo thống kê có gần 8.000 hộ dân của Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu và TPHCM bị thiệt hại khi Vedan đầu độc sông Thị Vải

Cả đời chài lưới trên sông, nhưng cám cảnh nhất là lúc vợ chồng ông Tháo phải gác chèo lên bờ làm mướn. Đó là lúc Vedan xả thải làm chết lần mòn con tôm, cái cá. “Ban đầu cũng quyết tâm bám trụ nhưng riết không bắt được con gì nên ổng đi làm thuê, tui đi bán dạo, ròng rã gần bốn năm. Vedan bị bắt xong, hai vợ chồng bàn nhau chờ nước trong trở đi đánh lưới lại.
 
Lớn tuổi rồi, làm cái gì cũng cực nhưng làm cái nghề mình quen vẫn sướng hơn. Thu nhập giờ cũng thất thường lắm, có ngày nhiều tôm cá được sáu- bảy trăm ngàn đồng, có ngày chỉ vài ba chục ngàn đồng, thậm chí là không có đồng nào. Nhưng tính đổ đồng thì cũng được hai trăm ngàn đồng/ngày, đủ nuôi sống hai vợ chồng già, khỏi sống bám con cái”, bà Huỳnh Thị Đẹp- vợ ông Tháo, bộc bạch.
 
img
Nước sông Thị Vải sủi bọt trắng xóa (ảnh chụp tháng 9-2007). Ảnh: L.CƯỜNG
 
img
Chi phí lớn và chưa an tâm với chất lượng nguồn nước, hiện nhiều chủ đầu chưa dám thay rửa đáy đùng
 
Nhìn vợ chồng ông Tháo kéo hơn 300 m lưới mà chỉ bắt được vài con tôm tít và cua nhỏ mới thấy chạnh lòng cho cuộc sống bấp bênh của ngư dân nơi đây.
 
Cũng như vợ chồng ông Tháo, bà Nguyễn Thị Em, nuôi tôm tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng từng phải “dứt áo” ra đi. Với đùng tôm hơn 30 mẫu, hàng năm bà thu về hàng tỉ đồng. “Thời điểm năm 1990 mà thu được tiền tỉ là ghê gớm lắm đó”, bà Em nhớ lại đầy tự hào.
 
Nhưng sông Thị Vải cho bà tiền tỉ rồi cũng lấy lại bằng hết. Tôm chết liên miên, bà trắng tay, vay nợ mong gỡ gạc, nhưng nợ chồng thêm nợ, bà cùng đường.
 
“Khi đường cùng, tôi phải đi xa làm ăn, sợ bỏ không đùng bị phá mới thả ít cá rô phi, coi như trả công người coi đùng giùm. Đến năm 2008, khi Vedan bị phát hiện xả thải, tôi mới trở về, có ít vốn cả nhà mới thả tôm lại”, bà Em cho hay.
 
Theo bà Em nước sông nhìn trong chỉ là bề nổi, còn lớp chất độc bên dưới vẫn chưa thể thay rửa hết. Bằng chứng là khi lội xuống đùng, khuấy lớp bùn bên dưới vẫn đen kịt và có mùi hóa chất nặng, tôm vẫn chết rất nhiều.
 
Nếu trước kia với 700.000 con giống, bà có thể thu đến 500 kg tôm/ngày, thì bây giờ chỉ được 5- 10 kg/ngày. Hỏi vì sao không làm vệ sinh đáy đùng, bà Em lắc đầu. Mất hai tháng để cho nước ra vô không nuôi trồng gì được, bên cạnh đó, quá trình thay nước sẽ gây vỡ bờ, tiền thuê xà lan múc cát đắp lại bờ cũng khoảng vài trăm triệu. Chưa kể, lỡ con nước lấy vào không sạch thì chỉ là công cốc, đổ sông đổ biển tiền tỉ.
 
Không khí tết đã rộn rã ở khắp mọi nơi. Người dân sống với dòng sông Thị Vải vẫn đang chờ ăn một cái tết rộn ràng như năm nào - với dòng nước mang nặng phù sa, vỗ về đất mẹ, dù rằng xuân đến muộn.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo