Vụ việc khởi phát từ sáng 28-10 khi lực lượng chức năng huyện Đông Hải di dời chợ Gành Hào cũ sang Trung tâm Thương mại (TTTM) Gành Hào thì vấp phải sự phản ứng dữ dội của các tiểu thương.
Còn nhiều tiểu thương không vào TTTM Gành hào buôn bán
Để phản đối việc này, nhiều tiểu thương đã mang quan tài (không có thi thể bên trong) đặt ở một số tuyến đường trung tâm thị trấn Gành Hào. Điều đáng nói là hành động phản cảm này chỉ toàn trẻ con, phụ nữ và người bệnh tham gia. “Vụ việc kéo dài đến sáng 30-10 mới tạm lắng. Chưa nói đến việc họ phản ứng đúng hay sai nhưng mang quan tài và xúi giục trẻ con gây rối là dụng ý xấu của một số người đứng đằng sau” - một cán bộ huyện Đông Hải nói.
TTTM Gành Hào được xây dựng và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2010 với gần 400 ki-ốt. Đến thời điểm này chỉ còn khoảng 7-8 hộ tiểu thương không chịu di dời đến chợ mới. Lý do được các tiểu thương này đưa ra là họ đã đóng kinh phí xây dựng chợ cũ và đóng góp cho ngân sách địa phương. Năm 2005-2006, khi chợ được xây dựng lại, các tiểu thương phải trả từ 9,2 - 26,5 triệu đồng cho nhà thầu để có được một ki-ốt. Hiện nhà lồng chợ vẫn còn khả năng sử dụng, do đó các tiểu thương mong muốn được kinh doanh ổn định tại đây.
“Tại 2 cuộc họp với người dân (năm 2010-2011), lãnh đạo UBND huyện Đông Hải có chủ trương cho tồn tại song song chợ truyền thống Gành Hào và TTTM, điều này đã được bà con tiểu thương đồng thuận. Tuy nhiên, sau đó chính quyền buộc tiểu thương thực hiện theo Thông báo số 114/TB-VP ngày 12-8-2013 của Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu là phải di dời toàn bộ qua TTTM, trái lời hứa với tiểu thương. Trong khi đó, TTTM Gành Hào còn nhiều bất cập, khu chợ mới nhếch nhác, không thuận tiện cho việc mua bán” - ông P.T.L, một tiểu thương chợ Gành Hào, bày tỏ.
Về việc này, ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, cho biết trước đó, UBND huyện đã nhiều lần đối thoại, vận động người dân sang kinh doanh ở TTTM. Việc di dời chợ có lộ trình chứ không làm đột ngột và đa phần tiểu thương đã nhất trí. Chủ trương di dời chợ Gành Hào có từ tháng 4-2011, được nhiều hộ dân tại khu vực nhà lồng chợ thống nhất. Riêng người dân ở 2 dãy phố bên nhà lồng chợ chưa chịu di dời vì có bất tiện trong việc mua bán. Vụ việc này, bà con đã khiếu nại nhiều lần. “Năm 2013, UBND tỉnh đã có chủ trương cho chợ Gành Hào cũ tạm thời tồn tại thêm 2 năm và sẽ di dời tiểu thương theo lộ trình vì chợ này quá chật hẹp, xuống cấp, không bảo đảm điều kiện giao thông, vệ sinh môi trường và văn hóa mua bán…” - ông Túy nói.
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Đông Hải, số tiểu thương tại chợ Gành Hào có khoảng 200 hộ, trong khi TTTM (gồm khu bách hóa tổng hợp, khu thực phẩm tươi sống) có 378 ki-ôt. Trong thời gian 2 năm di dời theo lộ trình, tiểu thương đang buôn bán tại chợ Gành Hào cũ được ưu tiên, kế đến mới tới hộ kinh doanh mới ở địa phương, hộ kinh doanh ở các xã lân cận và tiểu thương ngoài huyện có nhu cầu buôn bán tại đây.
Bị lôi kéo, kích động
Ông Bùi Minh Túy cho biết ngoài việc bị xuống cấp phải giải tỏa, khu vực chợ Gành Hào cũ sẽ được dùng làm đường giao thông nối với bờ kè nhằm tạo cảnh quan môi trường. “Vụ việc đáng tiếc xảy ra trong những ngày qua là do các tiểu thương bị một nhóm người kích động, lôi kéo nhau xuống đường. Chúng tôi đã chỉ đạo công an rà soát, truy tìm và xử lý những người đứng sau xúi giục nhằm ổn định an ninh trật tự địa phương” - ông Túy nhấn mạnh.
Bình luận (0)