Ông Lương Văn Trong được người dân Phú Yên gọi bằng cái tên đầy kính trọng: Thầy Ba Trong. Ông là Chủ tịch Hội Đông y thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên và là cháu đích tôn của chi họ Lương Đông Hòa nổi tiếng khắp vùng về chữa bệnh xương khớp.
Bệnh nhân gọi là đi
Hẹn gặp ông ở nhà nhưng chỉ trễ 5 phút, tôi đành phải chạy xe máy hơn 70 km ngược ra thị xã Sông Cầu, nơi có nhiều bệnh nhân đang chờ ông. “Đúng giờ là tôi phải đi. Họ đau bệnh mà phải nằm chờ mình, tội lắm!” - ông như phân trần khi thấy tôi xuất hiện nơi không hẹn.
Bệnh nhân đầu tiên mà ông ghé thăm là bà Nguyễn Thị Xuân (65 tuổi; ngụ thôn Mỹ Thành, xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu). Bà bị gãy đầu trên xương cánh tay phải do ngã khi đi chợ.
Sau 10 ngày nằm viện trở về, phần trên của cơ thể vẫn không cựa quậy được vì đau nhức nên bà bảo con gái gọi thầy Ba Trong nhờ chữa giúp. “Đắp thuốc chỉ được mấy ngày mà thấy cánh tay nhẹ hơn 5-6 phần. Hồi mới nghe, tôi cũng chỉ tin vậy thôi chứ không dám chắc như vầy đâu” - bà Xuân bộc bạch.
Phần lớn những người được ông chữa bệnh tại nhà đều bị chấn thương nặng, khó khăn khi di chuyển. Bị nạn như vậy mà để gia đình họ khiêng đến nhà mình chữa bệnh thì không nỡ nên ông phải đi. Còn những ca bệnh nhẹ thì tìm đến nhà ông điều trị và thường ông chỉ điều trị tại nhà đến 10 giờ. Sau đó, ông lại mang túi thuốc, chạy chiếc xe máy cà tàng rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm và chỉ về đến nhà sau 20 giờ.
Ông thường chia các huyện, thị trong tỉnh ra từng khu vực để tiện đường và bảo đảm mỗi tuần đều đi khắp cả tỉnh, không để bệnh nhân bị trễ thuốc. Khu vực nào gần, đi về cũng 100 km, khu vực xa đến 200 km. Giờ thì ông đã thuộc như lòng bàn tay nơi nào có trạm đổ xăng, nơi nào có quán ăn.
“Trước đây, cái chuyện nhịn đói, dắt xe máy đi bộ vì hết xăng trên những đoạn đường chẳng có nhà dân để tá túc là bình thường” - ông Ba Trong kể.
Cuộc trò chuyện với ông ở nhà bệnh nhân liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại gọi đến. Ông cho biết mình đang chữa bệnh cho hơn 100 người ở 9 huyện, thị trong tỉnh. Còn tại nhà, ngoài 146 người trong tỉnh, còn có 4 người ở Bình Định, Khánh Hòa tìm đến chữa bệnh. Nhiều người ở các tỉnh lân cận như Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Khánh Hòa... điện thoại nhờ đến chữa bệnh nhưng ông chưa sắp xếp được thời gian.
Lại một cuộc điện thoại vừa gọi đến nhờ ông chữa bệnh cho người nhà ở xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu bị gãy xương đùi. Ông vội vã mang túi thuốc, dắt xe máy lên đường và hẹn tôi sau 20 giờ ở nhà.
Chọn nghề không phải làm giàu
Vào nghề từ năm 12 tuổi và được học trực tiếp từ chính ông nội của mình là Lương Dung - một lương y nổi tiếng về xương khớp - nhưng ông Ba Trong chỉ hành nghề năm 25 tuổi, sau khi… “đã học hết sách của nội cộng với kinh nghiệm theo nội chữa bệnh”.
Giờ đây, chỉ bằng đôi tay của mình, ông biết chính xác xương người bệnh bị gãy, nứt hay lệch chỗ nào. Cũng chỉ với cảm giác từ đôi tay, ông khéo léo sắp xếp những đoạn, mảnh xương bị gãy, bị trật lại đúng vị trí ban đầu rồi nẹp cố định và bó thuốc cho xương mau liền.
Người thầy thuốc có đôi mắt và nụ cười rất hiền này cũng không giấu giếm bài thuốc gia truyền chuyên trị xương khớp của gia tộc, gồm: Huyết kiệt, đại hoàng, lưu hậu, yếm rùa, dây trúc, xuyên tâm thất, xuyên điền thất, nhĩ trà, long não, ô long vĩ trộn với bột nếp.
Ông bảo chỉ ngại những vết thương hở, chảy máu ra bên ngoài phải đưa đến cơ sở y tế chữa trị, còn những vết thương liên quan đến xương khớp bên trong, dù phức tạp mấy ông cũng không chịu bó tay.
Lại một cuộc điện thoại gọi đến nhưng lần này không nhờ chữa bệnh mà hỏi thăm nhà để hậu tạ. “Khỏe là được rồi, đừng có bày vẽ” - ông cười rồi cúp máy.
Từ số điện thoại này, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Sở - nguyên Trưởng Công an xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa. Vợ ông là bà Hà Thị Chính, trong một vụ tai nạn đã bị chấn thương cột sống.
Hơn 1 tháng nằm viện, bà Chính được trả về với khả năng bị liệt toàn thân. Tìm đến thầy Ba Trong chỉ là cầu may nhưng sau gần 3 tháng đắp thuốc, giờ bà Chính đã có thể đi lại.
“Điều kỳ diệu đã đến với gia đình tôi. Bà nhà tôi đã đỡ đến 75% rồi. Tôi cứ nghĩ có phải bán nhà cũng chạy chữa cho vợ. Nào ngờ chẳng tốn bao nhiêu mà vợ tôi đã được thế này”- ông Sở xúc động.
Theo ông Ba Trong, học nghề thuốc không chỉ học cách khám, chữa bệnh mà quan trọng là học cái đức của người thầy thuốc. Trong câu chuyện, ông vẫn thường nhắc đến lời dạy của ông nội là lương y Lương Dung: “Chọn nghề thầy thuốc không phải để làm giàu mà để cứu người”.
Từ lời dạy ấy mà hơn 40 năm qua, ngày ngày, người ta lại thấy ông rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng đến từng nhà bệnh nhân.
Cả họ chữa bệnh từ thiện
Ông Lê Huy Kông - Chủ tịch Hội Đông y huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên - cho biết không chỉ lương y Lương Văn Trong mà các thầy thuốc chi họ Lương từ trước đến nay vẫn lấy việc chữa bệnh từ thiện làm chính. Ông Kông kể thời lương y Lương Dung, người bệnh trả tiền thuốc thường chỉ bằng ký gạo, lít nước mắm; còn hiện nay, chú ruột của ông Ba Trong là ông Lương Cờ chữa bệnh xương khớp tại nhà, không lấy tiền thuốc đối với những gia đình nghèo.
“Tôi cho rằng những tấm gương y đức ấy đáng để cho các thầy thuốc trẻ suy ngẫm - ông Kông nhìn nhận.
Kỳ tới: Năm đời chữa bệnh cứu người
Bình luận (0)