Thầy thuốc Nguyễn Xuân Hướng đã dành hơn 40 năm trong cuộc đời để nghiên cứu những cây thuốc quý của Việt Nam, đồng thời ra nước ngoài tìm hiểu các nền y học cổ truyền để đúc kết thành nhiều bài thuốc quý.
Người kế thừa dòng họ
Tổ tiên, dòng họ ông Nguyễn Xuân Hướng vốn có truyền thống làm thuốc đông y ở xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 25 tuổi, ông được cử đi học văn học, báo chí rồi tiếp tục sang Trung Quốc học tập. Tại đây, thầy giáo dạy ông Hướng ở Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nhận thấy sở thích và tiềm năng của học trò trong lĩnh vực đông y nên định hướng cho ông chuyển ngành học.
Năm 1971, sau 7 năm học đông y, ông trở về nước và làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Suốt 23 năm sau đó, ông Hướng có cơ hội “thọ giáo” các bậc thầy về đông y của Việt Nam. Trong đó, vị lương y khiến ông nể trọng nhất là thầy Nguyễn Văn Đặng (quê Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc rồi công tác tại Viện Đông y). Cụ Đặng đã tham gia viết nhiều quyển sách, nổi tiếng nhất phải kể đến là cuốn “Bào chế đông dược” vốn được xem là cẩm nang của những người theo nghề đông y.
“Cách xem mạch của cụ rất hay. Trong cuộc đời làm thuốc, tôi chưa thấy ai bắt mạch chuẩn như vậy. Cụ nói ai chết, người đó khắc chết, ai sống tức là sẽ khỏi bệnh, không chệch vào đâu được. Vì con cháu cụ không có ai theo nghề nên tôi may mắn được truyền cho một số bài thuốc gia truyền, chữa được chứng bệnh nguy hiểm của trẻ thời đó là đi ngoài ra máu” - ông Hướng nhớ lại.
Đông - tây y kết hợp, người bệnh có lợi
Theo Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, 20 năm qua, lãnh đạo Đảng, nhà nước cũng như ngành y tế đã quan tâm, mở đường cho nền đông y phát triển trong thời kỳ hội nhập.
Từ năm 1959, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã chủ trì hội nghị về cây thuốc ở miền Bắc và có những phát biểu hết sức tâm huyết với nền đông y nước nhà. Sau đó, Bộ trưởng về Hà Tĩnh, trực tiếp đưa các thầy thuốc đi tìm những cây thuốc nam trong vườn để làm thuốc.
Thế nhưng, chương trình đào tạo y khoa hiện nay còn xem nhẹ đông y.
Lương y Nguyễn Xuân Hướng khẳng định tác dụng của đông y là điều kỳ diệu của y học. Để kết quả điều trị cho bệnh nhân được tốt nhất, bác sĩ không chỉ giỏi về tây y mà còn cần nắm vững kiến thức về đông y nhằm có thể kết hợp nhuần nhuyễn. “Tôi từng chứng kiến thầy dạy của mình sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân đau ruột thừa, lúc tái khám thấy họ chưa trung tiện, ông đã cho uống vài viên thuốc đông y. Kết quả sau đó rất tốt” - ông dẫn chứng.
Ông Hướng tâm niệm: Thầy thuốc đông y không chỉ giỏi về y lý mà còn phải biết xem mạch; không những kê đơn bốc thuốc mà còn phải biết châm cứu, bấm huyệt. Với tây y, người bệnh phải làm xét nghiệm mới biết mắc bệnh gì nhưng với đông y, thầy thuốc giỏi phải biết cơ thể bệnh nhân “ốm” chỗ nào nhờ bắt mạch. Điều quan trọng nhất, y đức phải được đặt lên hàng đầu, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay.
Sản xuất thuốc đông y theo dây chuyền hiện đại là xu hướng chung nhưng vấn đề cốt lõi vẫn phải giữ được khí (tinh dầu) và vị của thuốc. Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng kể đã đến rất nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc đông y ở nước ngoài. Ở đó, họ sản xuất thuốc và ép bằng phương pháp chân không nên đứng ngoài hoàn toàn không ngửi thấy mùi nhưng khi cầm viên thuốc thấy rất thơm. Trong khi đó, nhiều nhà máy ở Việt Nam cách hàng cây số đã ngửi mùi thơm nhưng khi cầm viên thuốc lại không thấy gì. Việc hiện đại hóa thuốc đông y phải quan tâm đến vấn đề trồng trọt, cần phân tích trong một cây thuốc trồng ở vùng này thì hoạt chất như thế nào còn vùng khác thì ra sao, có thế mới đầu tư chính xác, hiệu quả.
Ngẫm lại cuộc đời làm thầy thuốc đông y, vị lương y hơn 80 tuổi này tâm đắc nhất là chữa được 2 bệnh mà tây y bó tay: rối loạn thần kinh thực vật và bệnh viêm mũi dị ứng. Đến nay, nhiều bệnh nhân rối loạn thần kinh thực vật và hơn 400 bệnh nhân viêm mũi dị ứng đã được ông chữa khỏi nhờ châm cứu.
Ngoài công việc khám bệnh, châm cứu, bấm huyệt cho bệnh nhân tại nhà, hiện nay, ông Hướng dành nhiều thời gian viết sách, báo chia sẻ về các bài thuốc. Nhiều cuốn sách của ông đã trở thành cẩm nang quý về kinh nghiệm điều trị các bệnh khó hay những bài thuốc cổ. Ông đang chuẩn bị xuất bản 2 cuốn sách, trong đó có một cuốn chuyên về châm cứu. Đây là tâm huyết mà ông đúc kết được từ suốt quá trình theo học các thầy Trung Quốc và thực tiễn công việc châm cứu chữa bệnh hàng chục năm qua. Có nhiều nghiên cứu trong cuốn sách này chưa từng được biết đến nên ông hy vọng đây sẽ là cẩm nang quý cho những ai gắn cuộc đời mình với nghề đông y.
Dược liệu quý chảy sang Trung Quốc
Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, việc khai thác các loại thuốc có nguồn gốc từ dược liệu tại Việt Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Công bố của Viện Dược liệu - Bộ Y tế cho thấy cả nước có gần 3.900 loài cây làm thuốc nhưng ngành y mới sử dụng được 60 loài, các thầy thuốc sử dụng hơn 200 loài, số còn lại không dùng đến.
Trong khi đó, do chính quyền một số nơi buông lỏng quản lý khiến người dân khai thác các dược liệu quý đến mức cạn kiệt. Chẳng hạn, người Trung Quốc biết được tầm quan trọng của cây hoàng liên ở dãy Hoàng Liên Sơn nên ra sức thu mua. Ông Hướng từng cứu sống một số bệnh nhân bị bệnh ứ nước trong màng tim nhờ cây hoàng liên. Với bệnh lý này, người bệnh thường phải chọc xi-lanh để hút dịch nhưng chỉ uống vị thuốc hoàng liên, một số người đã hồi phục khá tốt.
Bình luận (0)