Việc đưa vào sử dụng 3 công trình lớn trên không chỉ “tô điểm” thủ đô thêm phần hiện đại, tiện nghi mà quan trọng hơn là có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội, 1 trong 2 vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước. Trong đó, nhà ga T2 hiện đại nhất nước, với công suất đón tiếp 10 triệu hành khách/năm từ nay đến năm 2020 và 15 triệu hành khách/năm giai đoạn từ 2020-2030, sẽ giải quyết tình trạng quá tải tại sân bay quốc tế của thủ đô, tạo điều kiện tăng cường đón du khách cũng như các nhà đầu tư tới Việt Nam trong hàng chục năm tới.
Gắn kết chặt chẽ với “điểm đến” nhà ga T2 - sân bay quốc tế Nội Bài, con đường mang tên vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp và cây cầu Nhật Tân biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản bên cạnh việc kết nối Hà Nội với thế giới cũng cải thiện đáng kể khả năng giao thông cửa ngõ phía Bắc thủ đô với các tỉnh, thành phía Bắc.
Với ý nghĩa và vai trò như vậy nên 3 công trình trọng điểm quốc gia được đầu tư tới hơn 38.000 tỉ đồng (gần 2 tỉ USD) là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn. Hơn nữa, chiếm phần lớn trong tổng vốn đầu tư cho các công trình này là vốn vay ODA của Nhật Bản cho nhà ga T2 (gần 18.000 tỉ đồng) và cầu Nhật Tân (khoảng hơn 13.000 tỉ đồng). Số tiền trị giá tỉ đô này chắc chắn làm gia tăng thêm gánh nặng nợ công vốn đã ngấp nghé ngưỡng nguy hiểm 65% GDP của nước ta.
Bởi thế, phía sau hình ảnh hoành tráng của 3 công trình trọng điểm quốc gia mới đưa vào sử dụng ở Hà Nội là nỗi lo làm sao sử dụng các công trình một cách hiệu quả nhất, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nhằm vừa cải thiện chất lượng cuộc sống người dân vừa thúc đẩy tạo thêm của cải để có tiền trả nợ vốn vay.
Công trình hiện đại, tiện nghi sẽ chẳng có ích gì nếu chất lượng dịch vụ, thái độ của người vận hành không được cải thiện? Đường sá rộng thênh thang, phẳng lì có giá trị gì với du khách nếu bị “chặt chém”?... Cơ sở hạ tầng tốt là cần song chưa đủ để Hà Nội có thể thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài cũng như trong nước khi dù có lợi thế là vùng kinh tế trọng điểm và là thủ đô nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội năm 2013 (công bố tháng 3-2014) vẫn đứng ở hạng 33/63 tỉnh, thành của cả nước.
Đi kèm với công trình hoành tráng, cần phải có chất lượng cải thiện thể chế, quản lý, phục vụ tương xứng thì những công trình tỉ đô này mới thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải chất thêm gánh nợ cho tương lai.
Bình luận (0)