Chiều 5-2, tại cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết hiện nay dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới (nCoV) gây ra vẫn đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc với số ca mắc và tử vong tăng từng ngày. Nhưng có dấu hiệu lạc quan khi ngày 5-2, tại Trung Quốc, số ca nghi nhiễm đang giảm và bệnh nhân được chữa khỏi nhiều hơn.
Phác đồ điều trị hiệu quả
Theo GS Long, bệnh do virus corona gây ra không có phương thức điều trị đặc hiệu mà dựa trên nguyên tắc điều trị triệu chứng. Nếu bệnh nhân sốt thì hạ sốt, bảo đảm dinh dưỡng, theo dõi thật sát các vấn đề liên quan đến hô hấp. Nếu phát hiện suy hô hấp thì có biện pháp can thiệp theo các mức độ: mức độ nhẹ - chỉ cần thở ôxy, điều trị triệu chứng; mức độ 2 - can thiệp thở có hỗ trợ; mức độ 3 - thở máy.
GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, phát biểu tại buổi họp báo chiều 5-2 Ảnh: BẠCH HUY THANH
Tại Việt Nam, qua 10 trường hợp mắc, đa phần bệnh nhân chỉ phải điều trị triệu chứng; chỉ 1 trường hợp người Trung Quốc phải thở ôxy vì bệnh nhân có nhiều bệnh nền (đái tháo đường, u phổi), tuổi cao. Đã có 3 trường hợp được xuất viện, 7 bệnh nhân còn lại dù chưa ra viện nhưng tình trạng sức khỏe ổn định.
Về phác đồ điều trị, GS Long cho biết Bộ Y tế đã đưa ra rất đầy đủ. "Phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận phác đồ của thế giới" - ông Long nói.
GS Long cũng khẳng định virus corona có 4 phương thức lây truyền: qua không khí (tiếp xúc với giọt nước bọt từ người có virus vào đường hô hấp của người khác), lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh, lây qua bề mặt của các vật có virus. Ngoài ra, virus này có thể lây qua phân nhưng chỉ trong trường hợp chăm sóc người bệnh.
"Do nhiều đường lây nên muốn phòng bệnh thì phải cùng lúc thực hiện nhiều biện pháp, trong đó quan trọng là phải rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, tránh tiếp xúc đám đông. Hơn nữa, virus này lây trong thời gian ủ bệnh, nghĩa là lây ngay trong giai đoạn khi người bệnh không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ như đau mỏi cơ, sốt nhẹ" - ông Long nhấn mạnh.
Không cần đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi
Nói về "cơn sốt" khẩu trang y tế thời gian qua trong bối cảnh xảy ra dịch do virus corona, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và khẳng định: "Không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy có lợi ích bảo vệ với những người không bị bệnh. Điều đó có nghĩa là WHO chưa chứng minh được đeo khẩu trang y tế có tác dụng phòng bệnh nCoV. Thế nên, việc đeo khẩu trang y tế chỉ là một trong các giải pháp để phòng chống bệnh. Do đó, người dân không cần phải đeo khẩu trang mọi nơi mọi lúc, chỉ cần tránh tiếp xúc với người hắt hơi, ho, tránh tiếp xúc với bệnh nhân ở phòng kín".
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết những người được khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với những người bị bệnh và chăm sóc người bệnh ở bệnh viện. "Những người khỏe mạnh không nhất thiết phải đeo khẩu trang và khi đeo khẩu trang phải đeo đúng cách, không sờ vào những bề mặt của khẩu trang, nếu không vi khuẩn sẽ truyền vào miệng; phải rửa tay bằng xà phòng thường xuyên" - PGS Phu khuyên.
Ông Long cũng lưu ý virus corona rất nhạy cảm với nhiệt độ, ánh sáng và sợ tia cực tím, nắng, gió - tức sợ môi trường thông thoáng khí. Thế nên, để phòng bệnh, các chuyên gia khuyên phải mở cửa sổ nơi ở, nơi làm việc để tạo thông thoáng khí. "Như vậy, những nơi nắng, gió như Tây Nguyên không nhất thiết dùng khẩu trang y tế" - ông Long hướng dẫn.
Tỉ lệ tử vong là 1,8%
Đề cập diễn biến dịch nCoV trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết các nhà khoa học thế giới xác định đỉnh dịch của Trung Quốc sẽ diễn từ 7-10 ngày tới. "Đối với Việt Nam còn quá sớm để có nhận định về tình hình dịch này nhưng với các biện pháp quyết liệt, chúng ta tương đối yên tâm" - ông Long nhận định.
Còn theo PGS-TS Trần Đắc Phu, tỉ lệ tử vong do nCoV gây ra là 1,8% (SARS 10%, MERS-CoV 34%). Hiện đặc điểm di truyền virus này chưa rõ ràng. Theo ông Phu, trong 1-2 tuần tới, Trung Quốc mới cho các chuyên gia quốc tế vào nguyên cứu nên hiện đặc điểm virus và cơ chế lây truyền chưa thật sáng tỏ.
Theo chuyên gia của Bộ Y tế, 80% tử vong ở Vũ Hán (ổ dịch tại Trung Quốc) là người trên 60 tuổi; 75% bệnh nhân có một bệnh nền như tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính, huyết áp cao... Tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn ở trẻ em và phụ nữ.
Không che giấu thông tin dịch bệnh
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết Việt Nam thực hiện chặt chẽ các biện pháp để khống chế dịch. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cách ly. Ở Việt Nam, tất cả những người bệnh, nghi nhiễm bệnh thì đều coi là ca bệnh, phải cách ly tuyệt đối tại bệnh viện.
Hiện có 900 người được cách ly tại các tỉnh biên giới, hầu hết là người Việt Nam. "Chúng ta đã chuẩn bị khoảng 3.000 giường bệnh tại các bệnh viện tuyến trung ương và nếu dịch lan rộng nữa có thể sử dụng thêm cả một phần Bệnh viện Bạch Mai để làm nơi tiếp nhận điều trị người bệnh. Ngay từ đầu, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và của Bộ Y tế là không che giấu bất kỳ thông tin nào về dịch bệnh" - ông Long khẳng định.
Có vị trí đỗ biệt lập cho các chuyến bay về từ vùng dịch
Ngày 5-2, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đã thông tin về công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) tại các cảng hàng không.
Theo đó, ACV đã chỉ đạo các cảng hàng không trực thuộc, đặc biệt là các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Nội Bài, Cát Bi, Thọ Xuân, Cần Thơ triển khai nghiêm túc công tác kiểm tra, kiểm soát và phòng chống dịch.
Đặc biệt, với 2 sân bay Cần Thơ và Phù Cát (dự kiến sẽ đón các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Trung Quốc về) cần lập phương án nhân sự, quy trình chuyển giao hành khách và có vị trí đỗ biệt lập cho các chuyến bay về từ vùng dịch. T.Phương
Tự cách ly - tối quan trọng trong phòng dịch
Chiều 5-2, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch corona. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra, nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác thực hiện cách ly tại cộng đồng. "Mỗi người tự cách ly là điều tối quan trọng nhằm mục tiêu dập dịch ngay và không tràn lan. Dập dịch nhanh, dứt khoát vừa bảo đảm cơ hội chống dịch vừa bảo đảm ổn định xã hội, kinh tế phát triển" - Phó Thủ tướng nói.
Theo Bộ Y tế, hiện có 3 vòng cách ly virus. Vòng 1: Những người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh, người đến hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc được cách ly tuyệt đối tại bệnh viện. Vòng 2: Người từng đi qua Trung Quốc sẽ được cách ly 14 ngày tại cơ sở được chuẩn bị ở cửa khẩu hoặc cách ly tại gia đình có sự giám sát của nhà chức trách. Vòng 3: Người thân, người xung quanh các trường hợp bị cách ly cần hạn chế đi lại, tiếp xúc với cộng đồng.
Tính đến tối 5-2, Việt Nam có 10 ca nhiễm; 409 ca nghi ngờ, trong đó có 347 trường hợp đã loại trừ; số tiếp xúc gần đang được theo dõi là 349; điều trị thành công 3 ca.
Bình luận (0)