Chiều 15-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Cách ly xã hội là cần thiết
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho rằng thực hiện cách ly xã hội là quyết định khó khăn, hiện trong dư luận có một số ý kiến về việc tiếp tục kéo dài thực hiện trong một thời gian nữa và cũng có ý kiến mong "tháo ngòi" Chỉ thị 16 để tiếp tục làm ăn.
Cho biết đã lắng nghe thông tin đại chúng và ý kiến của nhóm chuyên gia, Thủ tướng Chính phủ cho rằng sự bình tĩnh, chặt chẽ là hết sức quan trọng lúc này. Không được sai lầm để dịch bệnh quay lại nước ta. Đáng lưu ý, ổ dịch mới tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội; dự báo trong những ngày tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới tại cộng đồng, đặc biệt một số tỉnh có nguy cơ cao, mật độ dân cư đông.
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ trân trọng cảm ơn toàn dân đã khắc phục khó khăn, ủng hộ, thực hiện nghiêm chủ trương cách ly xã hội; biểu dương những tấm lòng nhân ái, tấm gương người tốt việc tốt trong phòng chống dịch; đánh giá cao sự đóng góp của các nhà khoa học, nhà hảo tâm cũng như các cấp, các ngành, địa phương, loại hình doanh nghiệp trong phòng chống dịch cũng như bảo đảm sản xuất, kinh doanh để có mức tăng trưởng trong quý I.
Dù vậy, Thủ tướng nêu rõ chúng ta không được lơi lỏng, chủ quan và nhấn mạnh: "Nếu làm điều gì khinh suất, bị động, sẽ xóa đi thành quả to lớn của Đảng, nhà nước và nhân dân trong thời gian qua".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại cuộc họp ngày 15-4 Ảnh: QUANG HIẾU
Thủ tướng nêu rõ sẽ có chỉ thị mới để triển khai các chủ trương, biện pháp cụ thể. Chiến lược phòng, chống dịch hiệu quả và bền vững dựa trên cơ sở duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, chuẩn bị khởi động lại nền kinh tế trên cơ sở chống dịch thành công.
Kiên định các chiến lược đề ra là ngăn chặn, phát hiện nhanh, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả với mục tiêu bao trùm là kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế tử vong, đồng thời giảm thiểu tác động đến kinh tế - xã hội.
"Trong chỉ đạo, cần từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng, đồng bộ, có bước đi phù hợp với hoàn cảnh của mỗi tỉnh, thành phố, mỗi địa phương, để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực vừa phát triển kinh tế - xã hội" - Thủ tướng chỉ đạo.
Chia 3 nhóm
Với tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia phòng chống Covid-19 phân loại nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương dựa trên một số tiêu chí như các phân tích dịch tễ học, tình hình dịch bệnh hiện nay, khả năng ứng phó, đặc điểm dân số, giao thông, có nhiều người nước ngoài đến, có nhiều ca lây nhiễm… Thủ tướng đồng ý chia thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm có nguy cơ thấp. Các nhóm này không phải bất biến. Cuộc họp sau sẽ xem lại các nhóm này để điều chỉnh phù hợp.
Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP HCM, Tây Ninh, Hà Tĩnh. Các địa phương này sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22-4 hoặc 30-4, tùy tình hình cụ thể về lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Cũng có thể trong phiên họp tới, bổ sung một số địa phương vào nhóm này nếu xảy ra tình trạng lây nhiễm.
"Tuy là nhóm có nguy cơ cao nhưng nhóm này cũng cần quan tâm đến sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giao thông" - Thủ tướng lưu ý.
Nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương: Bình Dương, Thái Nguyên, Cần Thơ, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Thủ tướng yêu cầu kết hợp thực hiện tốt Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đến ngày 22-4. Quyết định tiếp theo sẽ được đưa ra vào ngày 22-4 tùy vào tình hình dịch bệnh.
Đối với nhóm nguy cơ thấp, gồm 36 địa phương còn lại, sẽ phải tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định cụ thể việc thực hiện cách ly xã hội và các biện pháp áp dụng cụ thể trên địa bàn một cách phù hợp, nghiêm túc theo các cấp độ. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố sẽ quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh dịch vụ cần đóng cửa; chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất kinh doanh nếu cơ sở không bảo đảm việc phòng lây nhiễm Covid-19.
Như vậy, lãnh đạo các địa phương sẽ quyết định đóng cửa các cơ sở kinh doanh chưa cần thiết, kể cả với nhóm nguy cơ và ít nguy cơ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn quyết định việc có thể kéo dài thực hiện Chỉ thị 16, "nếu thấy rằng cần phải áp dụng mạnh mẽ chuyện này". Việc thực hiện cách ly xã hội có thể theo quy mô cấp xã, huyện, tùy theo nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kéo dài chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh như hiện nay cho đến ngày 30-4. Xem xét giải quyết cho những người Việt Nam ở nước ngoài có yêu cầu cấp thiết và hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về nước. Duy trì cách ly tập trung bắt buộc đối với người từ nước ngoài vào Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất kế hoạch học tập của học sinh, sinh viên trong cả nước và kế hoạch thi cử, báo cáo Thường trực Chính phủ trên tinh thần bảo đảm an toàn cho học sinh.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay gói an sinh xã hội, không thể để chậm trễ hơn vì người lao động đang rất khó khăn...
Sáng cùng ngày, tại cuộc họp BCĐ quốc gia phòng chống Covid-19, BCĐ đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng về việc tiếp tục thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh.
TP HCM đề xuất cho mở lại một số hoạt động thiết yếu
Tại cuộc họp giao ban với Thường trực Chính phủ về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19, tổ chức chiều 15-4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19. TP có 54 ca nhiễm, trong đó khỏi bệnh là 46 người, 8 người đang điều trị. Trong 15 ngày qua, TP chỉ tăng thêm 5 ca nhiễm và có 12 ngày không phát hiện ca mới. So với 15 ngày trước khi thực hiện Chỉ thị 16, TP giảm 88% ca nhiễm mới. Điều này cho thấy việc thực hiện cách ly xã hội bước đầu có những kết quả tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Từ việc thực hiện Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 30-4. TP cũng đề xuất Thủ tướng 5 nhóm nội dung. Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu chiến lược bậc thang, càng về sau cách ly càng nghiêm ngặt. Thứ hai, mức phạt hiện tại tối đa 300.000 đồng với người không đeo khẩu trang là thấp, TP kiến nghị tăng mức phạt để đủ sức răn đe. Thứ ba, để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế, đề nghị cho phép mở lại một số hoạt động thiết yếu ít có nguy cơ lây nhiễm, đáp ứng Bộ Tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Đây là chính sách kép để kích thích kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh chưa xác định được thời gian kết thúc. Việc này sẽ góp phần tăng cường đạo đức và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội; đồng thời tạo ra văn hóa bảo vệ ngành nghề kinh doanh cho từng doanh nghiệp.
Thứ tư, TP đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng các mô hình dịch tễ của bệnh truyền nhiễm để biết mỗi người sẽ đến trung bình bao nhiêu chỗ mỗi ngày, gặp bao nhiêu người và tiếp xúc gần bao nhiêu người; khi cách ly xã hội sẽ giảm được bao nhiêu lần tiếp xúc. Từ đó xác định biện pháp cách ly xã hội tối ưu và mạnh nhất. Cuối cùng, TP kiến nghị Chính phủ chỉ định một số sân bay tiếp nhận người Việt Nam từ vùng dịch trở về; áp dụng cách ly nghiêm ngặt hơn và xét nghiệm lại sau 14 ngày cách ly.
Tối 15-4, sau khi kết thúc cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương về tình hình dịch bệnh Covid-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly xã hội đến 22-4. TP HCM tiếp tục thực hiện cách ly nhưng vẫn duy trì sản xuất an toàn. Ngành giáo dục sớm xây dựng bộ tiêu chí an toàn để tính đến phương án cho học sinh quay trở lại trường…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho rằng cần tăng cường lực lượng thực hiện nhiệm vụ của 62 chốt kiểm soát dịch bệnh ở các cửa ngõ ra vào TP.
Ph.Anh - B.Nghi
Việt Nam có 267 ca mắc Covid-19
TP HCM: Các khu cách ly tập trung đã giải tỏa trống người
Bộ Y tế cho biết trong ngày 15-4 đã ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19 ở ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (TP Hà Nội) và là ca bệnh thứ 13 tại đây. Hiện số ca bệnh tại Việt Nam là 267, trong đó 171 ca đã khỏi bệnh.
Lý giải về việc một số bệnh nhân xét nghiệm âm tính sau đó dương tính lại, bác sĩ Vũ Minh Điền, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết hiện tượng này không chỉ ghi nhận ở Việt Nam mà cả một số nước như Hàn Quốc, Mỹ... Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu, trong đó có ý kiến cho rằng xét nghiệm ở đây là tìm đoạn gien, đoạn di truyền của virus, lần xét nghiệm sau có thể tìm thấy xác của virus SARS-CoV-2 còn nằm trong tế bào bạch cầu nên kết quả cho dương tính.
Khả năng thứ hai là virus dương tính thật sự và tiếp tục nhân lên. Hiện nay, các thuốc được sử dụng đều là các thuốc trong quá trình nghiên cứu, đánh giá hiệu quả, chưa có thuốc được đánh giá là hiệu quả, hiệu lực thực sự trong loại bỏ virus. Vì thế, việc loại bỏ virus SARS-CoV-2 còn dựa vào hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Một số bác sĩ cho rằng về cơ chế, virus SARS-CoV-2 vẫn rất mới lạ, không thể nói trước được điều gì. Tuy nhiên, không thể khẳng định bệnh nhân tái nhiễm với virus SARS-CoV-2.
l Theo Sở Y tế TP HCM, tại các khu cách ly tập trung của TP (với tổng số 12.738 giường) hiện hầu như đã giải tỏa trống, chỉ còn 72 trường hợp. Toàn bộ nhóm đối tượng người nhập cảnh đã kết thúc thời gian cách ly tập trung. Số hiện đang theo dõi tại quận - huyện là 25 người và theo dõi ở nhà - khu lưu trú là 155 người.
Đến ngày 14-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 1.294 công nhân tại khu lưu trú của Khu Chế xuất Tân Thuận, tất cả đều có kết quả âm tính.
Sở Y tế TP cho biết riêng phi công người Anh nhiễm Covid-19 nặng (bệnh nhân thứ 91) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, sáng cùng ngày đã có tín hiệu lạc quan dù kết quả xét nghiệm vẫn dương tính.
N.Dung - Ng.Thạnh
Bình luận (0)