Ngày 15-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá kết quả sau 2 tuần thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị số 31 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Một số nơi người dân chưa tuân thủ
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội, tới nay TP đã có 113 ca mắc (51 trường hợp đã khỏi, ra viện và 62 trường hợp đang điều trị).
Qua 2 tuần thực hiện Chỉ thị 16, Hà Nội cơ bản kiểm soát tốt, khá chủ động, ngăn chặn lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng. Các hoạt động kinh tế theo Chỉ thị 16 vẫn được duy trì; hàng hóa, giá cả, trật tự an toàn, an ninh xã hội cơ bản ổn định; các phong trào xã hội được nhân rộng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Toàn bộ đội ngũ công chức, viên chức (CC-VC) của TP đóng góp 1 ngày lương cơ bản được hơn 56,7 tỉ đồng để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng cần tiếp tục chỉ đạo hệ thống chính trị cơ sở phát huy mạnh mẽ hơn vai trò trong phòng chống dịch bệnh khi một số nơi vẫn còn hạn chế; người dân có biểu hiện chủ quan, không thực hiện đúng quy định cách ly xã hội trong những ngày gần đây; xuất hiện tình trạng phức tạp về an ninh trật tự như đua xe, nổ súng.
Tại Hà Nội, một số nơi người dân đã có dấu hiệu chủ quan khi đổ ra đường đông trở lại Ảnh: NGÔ NHUNG
Trong 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, CC-VC sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp cần thiết mới đến làm việc tại cơ quan, đơn vị như: Trực chiến đấu, trực cơ quan; cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; xử lý tài liệu mật, tham gia chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch.
Liên tục những ngày qua, lực lượng chức năng các địa phương đã nỗ lực bám sát địa bàn để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thực hiện cách ly xã hội. Dù dịch vẫn có nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng và đã có hàng ngàn trường hợp bị xử lý, song tình trạng vi phạm vẫn xảy ra, đặc biệt ở khu vực nội thành.
Tính đến ngày 15-4, toàn TP đã xử phạt 5.873 trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch. Vi phạm chủ yếu là mở cửa bán hàng ở những cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra ngoài đường không có lý do cấp thiết...
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Tại TP HCM, UBND TP đã chỉ đạo thực hiện nghiêm cách ly xã hội trên toàn TP theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
TP HCM yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường để phục vụ người dân TP. Nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp hoạt động bình thường nhưng phải bảo đảm khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 2 m, mang khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, bảo đảm thông thoáng thường xuyên và có văn bản cam kết tuân thủ phòng chống dịch gửi UBND quận, huyện nơi đặt nhà máy.
TP đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp (trường hợp đặc biệt do thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị quyết định).
TP đã lập 62 chốt, trạm kiểm dịch để kiểm soát các biện pháp phòng chống dịch tại các cửa ngõ ra, vào TP, bến tàu, bến xe, nhà ga - nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra, vào TP.
Song song đó, TP chi 2.753 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch; trong đó, tổng kinh phí cho các cơ sở cách ly và điều trị là 323 tỉ đồng; hỗ trợ người cách ly 126 tỉ đồng; mua 10 ôtô chuyên dùng áp lực âm khoảng 135 tỉ đồng; mua khẩu trang 112 tỉ đồng; kinh phí tuyên truyền, đào tạo là 257 tỉ đồng; hỗ trợ 600.000 lao động gặp khó khăn do dịch mỗi người lãnh 1 triệu đồng/tháng, tổng cộng khoảng 1.800 tỉ đồng. Cán bộ, CC-VC sẽ giảm 50% thu nhập tăng thêm trong năm 2020 để hỗ trợ 600.000 lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Với phương châm "không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau", TP cũng đã hỗ trợ cho 18.707 người bán vé số trên địa bàn gặp khó khăn do tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết được hỗ trợ với số tiền hơn 14 tỉ đồng (mỗi người 750.000 đồng). Ngoài số tiền này, các quận - huyện đã chủ động vận động chăm lo thêm kinh phí và quà trị giá từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng để hỗ trợ thêm cho người bán vé số. TP cũng đẩy nhanh tiến độ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trong thời gian xảy ra dịch Covid-19.
Ủng hộ việc kéo dài cách ly xã hội
Chị Vũ Thị Kim Thanh (ngụ block A2 chung cư City Gate, quận 8, TP HCM) cho biết thực hiện cách ly xã hội nên việc ra vào chung cư được kiểm soát chặt và bắt buộc đo thân nhiệt. "Nếu tiếp tục kéo dài cách ly xã hội thêm 1-2 tuần nữa để kiểm soát được tình hình dịch bệnh là giải pháp tốt. Hiện chúng tôi đã dần quen với cách sinh hoạt mới" - chị Thanh bày tỏ.
Cũng tại TP HCM, anh Lê Minh, chủ 2 cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, cho biết trước mắt chủ nhà đồng ý giảm giá thuê mặt bằng 50% từ đây đến hết tháng 12. Nếu dịch bệnh vẫn còn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng thì anh rất ủng hộ việc tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội. Bởi nới lỏng việc cách ly sớm chẳng may lây nhiễm một vài trường hợp thì bao nhiêu công sức ngăn chặn bấy lâu bỗng bị đổ sông, đổ biển.
L.Phong
Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin
Tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã yêu cầu lãnh đạo bộ và các đơn vị trực thuộc vẫn tiếp tục làm việc tại cơ quan để kịp thời giải quyết công việc. Các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp (trừ khối đào tạo và nghiên cứu khoa học) bố trí tối đa 30% CC-VC, người lao động theo hình thức luân phiên đến làm việc tại cơ quan. Đơn vị sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học bố trí 100% VC, người lao động làm việc tại nhà.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, tăng cường họp trực tuyến tại đơn vị; phân công nhiệm vụ cụ thể và quản lý chặt chẽ CC-VC, người lao động làm việc tại nhà.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Giao thông Vận tải cho rằng quyết định cấm hoạt động vận tải hành khách trên cả nước (trừ 3 đường bay và 2 đoàn tàu trên trục Bắc - Nam) là giải pháp không ai muốn và có thể gây khó khăn trong một thời gian, nhưng cần thiết vì cái chung. Ngoài ra, địa phương có quyền quyết định cho phép hoạt động với những phương tiện phục vụ nhu cầu thực sự cần thiết của người dân như đi khám chữa bệnh, cấp cứu, vận chuyển hàng hóa...
Bình luận (0)