xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

150 triệu liều vắc-xin Covid-19 tiêm miễn phí

NGỌC DUNG - HOÀNG TRIỀU

Trong khi thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 do doanh nghiệp trong nước sản xuất, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì mua, tiếp nhận tài trợ 150 triệu liều vắc-xin để tiêm cho người dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

Tiêm miễn phí cho nhiều đối tượng

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên. Số lượng khoảng 150 triệu liều.

Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, quyết định số lượng vắc-xin cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn. Cơ chế mua vắc-xin được áp dụng theo trường hợp đặc biệt quy định tại điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.

150 triệu liều vắc-xin Covid-19 tiêm miễn phí - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa phải) tại buổi tiêm thử nghiệm vắc-xin Nanocovax giai đoạn 2 ở Hà Nội sáng 26-2 . Ảnh: NGÔ NHUNG

Nghị quyết cũng quy định rõ đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí trước tiên là lực lượng ở tuyến đầu chống dịch gồm: những người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo chống dịch các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...); quân đội, công an. Kế đến là nhân viên, cán bộ ngoại giao được cử đi công tác nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...; giáo viên, những người làm tại cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài và các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ theo yêu cầu phòng chống dịch.

Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh việc căn cứ khả năng cung ứng vắc-xin, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, đối tượng ở vùng có dịch.

Về nguồn kinh phí thực hiện, Nghị quyết nêu rõ lấy từ ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc-xin tự nguyện chi trả. Ngân sách trung ương bảo đảm cho các đối tượng do các cơ quan trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương theo quy định: với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên được hỗ trợ 70% mức ngân sách nhà nước thực chi theo quy định. Các tỉnh, thành phố còn lại được hỗ trợ 30% - 50% ngân sách.

Bộ Y tế làm đầu mối tổ chức việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ vắc-xin; chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, tổ chức quản lý, phân phối, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực.

Nghị quyết khuyến khích các đơn vị đủ điều kiện tổ chức tiêm chủng tự nguyện cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu và tự chi trả chi phí tiêm chủng. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được sử dụng kinh phí trong phạm vi dự toán chi thường xuyên đã được giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước hoặc nguồn kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc hạch toán vào chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp để tiêm chủng cho người lao động.

Thử nghiệm trên cả người có bệnh nền

Sáng 26-2, Học viện Quân y và Viện Pasteur TP HCM đã tiến hành giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa Covid-19 Nanocovax trên người tình nguyện tại TP Hà Nội và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Đợt này, tổng cộng có 560 tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 Nanocovax ở TP Hà Nội và tỉnh Long An. Trong đó, dự kiến sẽ tiêm thử nghiệm trên 300 người tại tỉnh Long An. Trong ngày đầu tiên triển khai giai đoạn 2 tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, có 38 tình nguyện viên đủ điều kiện sức khỏe để tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19.

Ông Nguyễn Minh Tuấn (ngụ xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là người đầu tiên được tiêm thử nghiệm mũi vắc-xin Covid-19 Nanocovax, cho biết: "Dù hồi hộp nhưng tôi cảm thấy vui và tự hào vì đủ điều kiện sức khỏe để tiêm thử nghiệm loại vắc-xin chống Covid-19 do chính người Việt Nam sản xuất, góp phần vào công cuộc chống dịch của đất nước".

Tại TP Hà Nội, nhóm nghiên cứu tiêm vắc-xin cho 35 tình nguyện viên được tiêm được chia làm 4 nhóm, trong đó: 10 người tiêm liều 25 mcg, 10 người tiêm liều 50 mcg, 10 người tiêm liều 75 mcg và 5 người tiêm giả dược (nhóm người không tiêm vắc-xin) để làm kết quả đối chứng, đánh giá hiệu quả của vắc-xin. Các tình nguyện viên đều trên 18 tuổi và có 2 tình nguyện viên trên 60 tuổi.

Có mặt tại buổi tiêm đầu tiên ở TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã động viên các tình nguyện viên và lực lượng y tế tham gia nghiên cứu vắc-xin ngừa Covid-19, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào đội ngũ khoa học tham gia phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 của Việt Nam. "Nếu nghiên cứu thành công vắc-xin Covid-19 thì không chỉ phục vụ chống lại đại dịch lần này mà còn là tiền đề để chúng ta làm nhanh hơn khi có những đợt dịch khác" - Phó Thủ tướng nhận định.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sự thành công của nghiên cứu vắc-xin Covid-19 còn thể hiện bản lĩnh của nền khoa học Việt Nam. "Sản xuất vắc-xin Covid-19 đòi hỏi bảo đảm đúng các quy trình chuẩn. Chúng ta không được bỏ qua giai đoạn nào nhưng phải khẩn trương hết mức. Phải bước thật nhanh. Muốn bước thật nhanh phải có sự đồng lòng của tất cả" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, giai đoạn 2 sẽ có 560 người tham gia nghiên cứu. Qua khám sàng lọc trước đó đã có hơn 200 người đăng ký ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có cả những người cao tuổi, có bệnh nền.

Bên cạnh tiêm thử nghiệm, Học viện Quân y cũng khám sàng lọc cho hơn 100 người đăng ký thử nghiệm vắc-xin. "Về mặt khoa học, virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm cho bất cứ ai ở bất cứ độ tuổi nào, nhất là ở người cao tuổi và mắc các bệnh nền đái tháo đường, cao huyết áp… Vì thế, giai đoạn 2 của thử nghiệm tiêm cho cả những người cao tuổi có bệnh nền là để bảo vệ họ không bị nhiễm virus. Trong nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin giai đoạn 2 phải chứng minh tính an toàn, hiệu quả của vắc -xin đối với người cao tuổi, có bệnh nền" - GS Đỗ Quyết nói. 

Đánh giá hiệu lực của vắc-xin với virus biến thể

GS-TS Đỗ Quyết cho biết kết quả đánh giá sơ bộ ở giai đoạn 1 cho thấy kháng thể của các tình nguyện viên có thể chống lại virus thông thường và biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (chủng virus của Anh là B1.1.7). Trong giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu tiếp tục đánh giá kháng thể của vắc-xin đối với chủng virus biến thể Nam Phi, của Anh và chủng thông thường.

Đến nay, số lượng tình nguyện viên đăng ký thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nanocovax giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người, trong đó có khoảng 400 tình nguyện viên đăng ký tại Học viện Quân y, hơn 500 tình nguyện viên ở Long An.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo