Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng vừa triển khai quyết định kỷ luật về mặt Đảng bằng hình thức cảnh cáo đối với đại tá Thái Văn Đợi, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng. Về mặt chính quyền, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ có văn bản gửi lên Bộ Công an để nơi đây xem xét xử lý tiếp theo.
Phát biểu với Zing.vn, ông Võ Văn Thiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết lý do chính khiến ông Đợi bị kỷ luật là vì có những sai phạm liên quan đến 3 vụ oan sai.
Trần Văn Đỡ - 1 trong 7 thanh niên bị oan sai ở Trần Đề. Ảnh: CÔNG TUẤN
Trong 3 vụ án oan sai mà ông Đợi là Phó Giám đốc kiêm Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, có 2 vụ rất nghiêm trọng khiến 10 người bị hàm oan mà Báo Người Lao Động nhiều lần phản ánh trước đây. Vụ thứ nhất diễn biến như sau: Rạng sáng 6-7-2013, tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, xảy ra vụ án giết người. Nạn nhân là ông Lý Văn Dũng, hành nghề xe ôm. Qua điều tra truy xét, ngày 10-7-2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng triệu tập Thạch Sô Phách, Trần Hol và Trần Cua, cùng ngụ tại huyện Trần Đề. Tại buổi triệu tập, Phách khai có nhìn thấy Hol, Cua và Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc, Thạch Mươl đánh và đâm ông Dũng. Ngày 13-7-2013, cơ quan điều tra triệu tập Đỡ và bạn gái là Nguyễn Thị Bé Diễm lên làm việc. Tại đây, Diễm cũng khai nhận có chứng kiến Đỡ, Phách, Hol, Cua, Sóc và Mươl đánh, đâm ông Dũng. Dựa trên những lời khai này, PC45 Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội "Giết người" đối với Phách, Mươl, Hol, Sóc, Cua, Đỡ. Riêng Diễm cũng bị bắt về tội "Không tố giác tội phạm".
Nhờ Phan Thị Kim Xuyến (trái) cùng Lê Thị Mỹ Duyên ra tự thú thì 7 thanh niên ở Trần Đề mới được minh oan. Ảnh: CÔNG TUẤN
Vụ án tưởng chừng như đã khép lại, thậm chí ban chuyên án chuẩn bị nhận thưởng "nóng" thì bất ngờ ngày 18 và 21-11-2013, Lê Thị Mỹ Duyên (SN 2000, ngụ Kiên Giang) và Phan Thị Kim Xuyến (SN 1998, ngụ huyện Trần Đề) ra tự thú và khai nhận cả hai đã giết ông Dũng để cướp tài sản. Bảy thanh niên bị bắt oan được trả tự do. Họ cho rằng đã bị cán bộ điều tra ép cung, dùng nhục hình nên mới khai như trên. Riêng Xuyến sau đó bị phạt 12 năm tù, Duyên được đưa vào trường giáo dưỡng do thời điểm gây án chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Đại tá Thái Văn Đợi là Thủ trưởng Cơ quan CSĐT ký quyết định phân công điều tra viên điều tra trong vụ án này. Ảnh: CÔNG TUẤN
Vụ án này dẫn đến việc VKSND tỉnh Sóc Trăng phải đứng ra chi trả gần 500 triệu đồng cho 7 thanh niên bị oan sai. Ngoài ra, 25 cán bộ, chiến sĩ của Công an Sóc Trăng bị kỷ luật từ rút kinh nghiệm đến giáng chức. Trong đó, ông Đợi chỉ bị kỷ luật rút kinh nghiệm.
Ông Phạm Văn Lé nhiều lần bị đưa ra xét xử nhưng đều bị hoãn. Ảnh: CÔNG TUẤN
Vụ thứ 2: Rạng sáng ngày 3-8-2012, sau khi nhậu say, Lâm Tài Mấu cùng Trần Đức Minh đập cửa nhà ông Phạm Văn Lé nên bị ông này dùng cây đánh. Khoảng 8 phút sau khi bất tỉnh, Mấu cùng Minh về. Đi được một đoạn, do không thấy Mấu vì trời tối nên Minh ghé sang nhà người thân ngủ. Đến 2 giờ 45 phút cùng ngày, người dân phát hiện Mấu nằm chết ở ven lộ Nam Sông Hậu, cách nhà ông Lé khoảng 1,5 km.
3 người trong gia đình ông Lé bị hàm oan. Ảnh: CÔNG TUẤN
Ngày 13-9-2012, ông Phạm Văn Lến (em ruột ông Lé, bị bệnh tâm thần nhẹ) đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận có chứng kiến việc ông Lé cầm cây đánh vào đầu Mấu. Sau đó, ông Lé bị khởi tố tội "Giết người", còn ông Lến và bà Thạch Thị Xem, vợ ông Lé, bị khởi tố tội "Không tố giác tội phạm".
Sau gần 2 năm bị bắt giam và trải qua nhiều phiên tòa nhưng đều hoãn do ông Lé khai bị ép cung, dùng nhục hình…, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng và VKSND tỉnh lần lượt ra các quyết định tạm đình chỉ vụ án, hủy bỏ quyết định tạm giam và sau đó ra quyết định đình chỉ vụ án vì xác định 3 người trên không liên quan đến các chết của Lâm Tài Mấu.
Vụ này, 3 người trong gia đình ông Lé nhận 450 triệu đồng tiền bồi thường oan sai.
"Đại gia" Lâm Ngọc Khuân cùng con gái bỏ trốn sau khi chiếm đoạt hơn 600 tỉ đồng của các ngân hàng. Ảnh: CÔNG TUẤN
Ông Võ Văn Thiên cũng xác nhận với Zing.vn lý do thứ 2 khiến ông Đợi bị kỷ luật là vì vị đại tá này mượn đất của Công ty Thủy sản KM Phương Nam (công ty con của Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam trước đây) để sản xuất.
Đây là công ty của "đại gia thủy sản" ông Lâm Ngọc Khuân. Sau khi lừa đảo các ngân hàng trên 600 tỉ đồng, ông Khuân cùng gia đình bỏ trốn khiến 2 lãnh đạo Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam và 25 người nguyên là cán bộ, lãnh đạo của chi nhánh các ngân hàng bị phạt tù.
Bình luận (0)