Ngày 6-4, Thào A Dơ (12 tuổi) và Sùng Văn Sinh (11 tuổi, cùng ngụ thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã được gia đình và cán bộ xã Cư Pui đến huyện Bình Chánh, TP HCM đưa về nhà.
Làm việc 3 ca
Trong căn nhà tranh lụp xụp của gia đình Thào A Dơ nằm trên sườn núi, bà Hoàng Thị Pà (mẹ của Dơ) cho biết khoảng 1 tháng trước, có người quen đến nói cho cháu về TP HCM phụ việc may mặc với mức lương 13 triệu đồng/năm. Do gia đình đông con (6 con), kinh tế khó khăn nên vợ chồng bà đồng ý để con đi kiếm tiền. Kể từ đó, gia đình không nhận được bất kỳ thông tin gì của con cho đến khi chính quyền thông báo xuống TP HCM đón con về.
Dơ cho biết cháu và Sinh được đưa vào một cơ sở may tư nhân của ông T. ở huyện Bình Chánh. Hằng ngày phải làm việc 3 ca từ 7 giờ đến 12 giờ, 14 giờ đến 19 giờ và từ 20 giờ đến 24 giờ. "Do không thạo việc nên các cháu thường xuyên bị ông chủ chửi bới, dùng tay và ống nước đánh đập. Có những lần buồn ngủ vì quá mệt, các cháu xin đi ngủ nhưng ông chủ nhất quyết không cho" - Dơ kể.
Tương tự, do nhà nghèo nên khi nghe người quen giới thiệu ngoài lương 13 triệu đồng/năm còn được cho thêm 2 triệu đồng khi về ăn Tết, cháu Sinh quyết định bỏ học để về TP HCM. "Có hôm, ông T. bắt rửa chén nhưng do trước đó ông ấy đã hứa sẽ tự rửa nên 2 cháu không làm. Lúc này, ông T. lao vào đánh, bóp cổ, nâng cháu lên, còn Dơ bị nắm tóc rồi ông ấy lấy dao kề cổ" - Sinh kể.
Cũng theo lời Sinh, ngày 1-4, sau khi ăn cơm tối, ông T. đồng ý cho 2 cháu đi chơi một lát. Lợi dụng việc này, Sinh và Dơ bỏ trốn. Trong lúc lang thang trên đường thì gặp lực lượng chức năng nên 2 cháu kể lại việc bị ông T. đánh đập và được đưa về trụ sở Công an xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.
Thào A Dơ (trái) và Sùng Văn Sinh kể lại việc bị đánh đập khi làm việc cho ông T.
Mập mờ việc bảo lãnh
Theo báo cáo của Công an xã Phạm Văn Hai, khoảng 2 giờ ngày 1-4, lực lượng dân phòng tuần tra, phát hiện 2 cháu đi lang thang nên hỏi. Khoảng 9 giờ ngày 2-4, công an xã đã liên hệ được với chính quyền địa phương nơi 2 cháu cư trú. Sau khi biết thông tin, một người đàn ông giới thiệu tên là Hoàng Văn Tuấn (SN 1989; ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) đến trụ sở Công an xã Phạm Văn Hai xin bảo lãnh 2 cháu về và cho biết do bố mẹ 2 cháu nhờ qua điện thoại. Theo ông Tuấn, ngày 28-3, một người tên Đen (không rõ lai lịch) dẫn 2 cháu này đến xin ông cho 2 cháu làm việc chung nhưng ông không nhận.
Trong khi đó, theo ông Y Bay M’lô, cán bộ phụ trách công tác lao động - thương binh và xã hội của xã Cư Pui, người trực tiếp cùng gia đình đến TP HCM đón 2 cháu về - khẳng định không có chuyện gia đình gọi điện thoại cho ông Tuấn nhờ bảo lãnh. Các cháu cũng không được trả một đồng tiền công nào trong thời gian làm việc ở đây. Toàn bộ chi phí đi lại trong quá trình đón các cháu về do UBND xã lo.
Cũng theo ông Y Bay M’lô, trước đó 2 cháu được một người quen đưa sang huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) rồi giao cho một người tên Thường (ngụ TP HCM). Người này tiếp tục dẫn 2 cháu tới một cơ sở may mặc làm việc. "Khi được chúng tôi đưa về, các cháu nói trong lúc làm việc, thỉnh thoảng bị đánh đập. Tôi đang làm báo cáo vụ việc và đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ" - ông Y Bay M’lô nói.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, cho biết cháu Sinh đang học lớp 3 nên sau khi đón về, UBND xã đã mời lãnh đạo Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui) lên làm việc và đề nghị nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để cháu tiếp tục đi học.
Hàng chục học sinh bỏ học để đi làm
Ông Trương Hữu Phấn, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Krông Bông, cho biết theo thống kê, từ sau Tết Mậu Tuất đến ngày 20-3, huyện này có 24 học sinh bỏ học để đi làm xa, trong đó có 2 học sinh tiểu học. "Học sinh bỏ học đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, học lực yếu, điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bỏ học theo bạn bè, người quen đi kiếm tiền phụ giúp gia đình. Một số khác bị dụ dỗ đưa đi lao động" - ông Phấn nói.
Còn theo ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, thời gian qua có nhiều đối tượng vào các thôn, buôn dụ dỗ, lôi kéo gia đình cho trẻ em đi lao động. "Hiện chúng tôi đang cử cán bộ đoàn thể trực tiếp vào các thôn, buôn để tuyên truyền, vận động người dân không để các đối tượng dụ dỗ con em đi ngoại tỉnh làm việc, tránh tình trạng tương tự như 2 cháu ở xã Cư Pui" - ông Bài nói.
Bình luận (0)