Cuối năm 1989, anh Phan Hồng Chiến từ Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM được điều về làm Tổng Biên tập Báo Công Nhân Giải Phóng. Đầu năm 1990, tôi từ Báo Cao su Việt Nam (thuộc Tổng cục Cao su), anh Thẩm Tuyên từ Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM... là những người đầu tiên được anh Phan Hồng Chiến tiếp nhận về bổ sung cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo lúc bấy giờ mới chỉ vỏn vẹn chừng 10 người. Tòa soạn là 2 gian phòng nhỏ ở tầng lầu 1 trong tòa nhà Vương cung Thánh đường, nay là Trường Tiểu học Hòa Bình, bên cạnh nhà thờ Đức Bà, với ấn phẩm mỗi tuần một số báo 8 trang khổ 30 cm x 40 cm.
Khai sinh tên mới
Ban Biên tập xác định muốn xây dựng, phát triển tờ báo thì việc đầu tiên là phải có trụ sở làm việc, "có an cư mới lạc nghiệp". Thế là chỉ sau một thời gian ngắn cấp tập liên hệ, tìm kiếm, báo được cấp căn nhà nhỏ 1 trệt 2 lầu ở số 44 Đồng Khởi, ngay trung tâm quận 1.
Sau khi có nhà, Ban Biên tập thấy tên Báo Công Nhân Giải Phóng không còn phù hợp, khó bán báo trong bối cảnh đất nước đang thực hiện đổi mới, hội nhập thế giới với nền kinh tế thị trường nên chủ trương phải xin đổi tên. Tên gì? Tại nhiều cuộc họp, anh em hào hứng đề xuất mỗi người một tên. Riêng tôi, ngay từ thời đi học vốn ngưỡng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) - nhà chí sĩ yêu nước, tích cực hưởng ứng và vận động cho phong trào Duy Tân nhằm canh tân đất nước.
Cụ còn là người sáng lập đồng thời chủ bút tờ Tiếng Dân danh tiếng một thời (1927-1943). Chịu ảnh hưởng phong cách và phương châm làm báo của cụ Huỳnh - thẳng thắn, tôn trọng sự thật. Sự thật nào không nói được thì không nói, chứ dứt khoát không bẻ cong ngòi bút, theo như lời khuyên của cụ. Do đó, khi được họp tìm tên đặt cho báo, tôi không ngần ngại đề xuất Tiếng Dân. Thủ trưởng, cấp trên của báo lúc bấy giờ, chị Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đồng cảm với chúng tôi.
Chị nói tên nào anh em đề xuất nghe cũng được, thể hiện khát vọng dân chủ, dân sinh và đậm tính nhân văn. Nhưng theo chị, trong bối cảnh thời ấy, những cái tên "thoáng" quá như vậy e khó được lãnh đạo chấp thuận. Chi bằng Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có tờ Lao Động, chúng ta là Người Lao Động cho dễ dàng được lãnh đạo các cấp và bạn đọc rộng rãi đồng thuận.
Ngày 28-7-1990, Công Nhân Giải Phóng được đổi tên thành Người Lao Động, mới cả hình thức lẫn nội dung.
Có thể nói, thập niên 90 của thế kỷ trước là những năm gian khó của anh em Báo Người Lao Động. Tôi vẫn nhớ mãi cảm giác mặc cảm, thật buồn mỗi khi đến liên hệ công tác với các cơ quan, đơn vị. Không ít lãnh đạo các cơ quan này khi mở rộng cửa, vồn vã tiếp đón chúng tôi bởi họ nhầm là phóng viên Báo Lao Động. Khi biết chúng tôi là phóng viên tờ Người Lao Động lạ hoắc mà họ chưa hề nghe đến, lập tức họ chuyển sang thái độ lạnh nhạt, không muốn tiếp. Hoặc có những buổi liên hoan họp mặt báo chí, ngồi bàn với các doanh nhân, họ chúc mừng, tán thưởng dạo này báo có những bài viết sắc sảo, hay thế này thế nọ... thì ra họ cũng nhầm chúng tôi là phóng viên Báo... Lao Động!
Trước tình cảnh đó, Báo Người Lao Động muốn tồn tại và phát triển chỉ còn một con đường: song song với nâng cao chất lượng thông tin là tăng kỳ phát hành. Xác định nội dung thông tin lấy việc đáp ứng nhu cầu thiết thực của công nhân và người lao động, luôn "Đồng hành với đời sống và việc làm của bạn" làm phương châm hành động. Dù đồng lương thấp nhưng anh em vẫn hết mình ngày đêm loay hoay tìm cách cải tiến hình thức, nội dung hầu mong tạo dấu ấn để bạn đọc biết tên Người Lao Động, phân biệt được Người Lao Động với Lao Động. Hết đợt cải tiến này đến đợt cải tiến khác, kể cả phải thay kiểu chữ măng-sét một đôi lần, thậm chí có thời gian "chơi" luôn báo khổ to cho "sang trọng" như Báo Sài Gòn Giải Phóng!
Tác giả Lê Bân (giữa) làm việc tại Tòa soạn những năm đầu 1990Ảnh: Tư Liệu
Ước vọng đã thành hiện thực
Vậy là phải mất 20 năm, trải qua 4 đời tổng biên tập, mỗi tổng biên tập để lại vài cột mốc trong quá trình phát triển của báo. Đến đời tổng biên tập thứ 4, năm 2009, anh Đỗ Danh Phương đã có một quyết định mang tính kỹ thuật là chuyển tờ Người Lao Động Chủ nhật đã có trước đó thành tờ báo thường nhật, để Người Lao Động chính thức trở thành tờ báo ra hằng ngày. Cũng trước đó, từ năm 2001, dưới thời chị Nguyễn Thị Hằng Nga làm tổng biên tập, website Báo Người Lao Động được chính thức trở thành Báo Người Lao Động điện tử. Như vậy, năm 2009, sau gần 20 năm kể từ ngày mang tên Người Lao Động, báo đã có bước ngoặt phát triển lớn - từ đây góp mặt cùng làng báo cả nước với tư cách là tờ báo ngày đúng nghĩa, có cả báo giấy lẫn báo online theo quy định của pháp luật. Điều mơ ước của chúng tôi đã thành hiện thực!
Về phần mình, đầu tháng 3-2012, tôi nhận quyết định nghỉ hưu sau tròn 22 năm chung tay cùng anh em đồng nghiệp, được nếm trải nhiều cung bậc cảm xúc trong hành trình đầy gian nan, vất vả để tạo dựng nên thương hiệu Người Lao Động. Ba tháng sau ngày tôi nghỉ hưu, tháng 6-2012, tòa nhà Báo Người Lao Động, với 10 tầng bề thế được triển khai từ thời anh Trần Thanh Hải làm tổng biên tập (2004-2008), được khánh thành đưa vào sử dụng. Ngày Ban Biên tập đãi tiệc chia tay tôi nghỉ hưu, anh Nguyễn Văn Tín, Phó Tổng Biên tập - người được phân công theo dõi tiến độ xây dựng tòa nhà - đã khui chai rượu ngon mời tôi gọi là để "tạ lỗi" vì thất hứa không hoàn thành tòa nhà đúng tiến độ như trước đó nhiều lần cam kết vui với tôi: "Anh sẽ có một gian phòng khang trang trong tòa nhà để làm việc trước ngày nghỉ hưu"!
Nay nghỉ hưu đã 10 năm, dù chưa được bước chân vào làm việc ở tòa nhà mới ngày nào như hằng mong ước nhưng cứ mỗi lần có dịp đi ngang tòa soạn, ngước nhìn tòa nhà, lòng tôi vẫn cảm thấy nao nao một niềm vui khó tả. Có cảm giác dường như những ngụm rượu cay thơm nồng ngày chia tay hôm nào nay vẫn còn lưu giữ ở cổ họng!
Diễn đàn của nhân dân
Báo Người Lao Động hiện nay tầm ảnh hưởng và vị thế đã khác. Báo đã là cơ quan của Thành ủy, tiếng nói của Đảng bộ TP HCM. Không những đã khẳng định được thương hiệu với bạn đọc trên cả nước mà cả ở nước ngoài. Một số hãng thông tấn quốc tế, cả những Facebooker, YouTuber... của người Việt ở các nước có lượng người theo dõi đông cũng thường dẫn nguồn tin từ Người Lao Động.
Dưới góc độ là bạn đọc thường xuyên của báo, theo tôi, chuyển đổi số, sản xuất nội dung thông tin trên cơ sở đa nền tảng đang là thách thức lớn của các cơ quan báo chí nói chung. Được biết, Ban Biên tập Báo Người Lao Động cũng đang tìm nguồn để được hỗ trợ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho hoạt động báo chí. Do đó, tôi rất kỳ vọng Báo Người Lao Động sẽ bắt nhịp kịp với dòng chảy thời đại mang tính sống còn này.
Trước mắt, cũng với tư cách bạn đọc, tôi mong báo nên tăng cường đầu tư hơn nữa trong việc theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin đa chiều, "thượng vàng hạ cám" trên mạng xã hội. Đó là kênh thông tin, là nguồn tin vô cùng phong phú, bổ ích cho người làm báo. Những thông tin đó, qua "bộ lọc" của phóng viên, biên tập viên, báo sẽ có được những đề tài với nội dung thông tin phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng của người dân, định hướng được dư luận. Tất nhiên, hiện nay báo đã làm nhưng chưa tập trung đầu tư khai thác nguồn tin vô tận này đúng mức, bởi thể hiện trên mặt báo, Người Lao Động cũng như phần lớn cơ quan báo chí khác đều chạy theo thời sự, làm tốt chức năng là tiếng nói của cơ quan chủ quản là chính, mà chưa phản ánh đúng mức chức năng thứ hai của báo chí là "diễn đàn của nhân dân" như điều 4 Luật Báo chí 2016 quy định: Báo chí nước ta "là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (...); là diễn đàn của nhân dân".
Thực tế, trong hơn 2 năm qua, kể từ ngày được Thành ủy TP HCM tiếp nhận về làm cơ quan ngôn luận của mình, cũng chính là 2 năm thành phố lao đao với đại dịch Covid-19 nhưng Báo Người Lao Động đã làm tốt vai trò. Với đà này, báo hãy dấn thân hơn nữa để "Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân" như ở khoản c điều 4 Luật Báo chí đã nêu rõ, nhằm đáp ứng nhu cầu của người đọc ngày càng cao. Tôi vẫn nghĩ Báo Người Lao Động với đội ngũ như hiện có thì không gì là không thể...
Bình luận (0)