Ngày 18-7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.
Chi gần 60.000 tỉ đồng trả nợ lãi
Báo cáo về công tác ngành tài chính 6 tháng đầu năm, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết: Tổng thu ngân sách ước đạt 651.700 tỉ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng chi NSNN 6 tháng đạt 649.200 tỉ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 130.000 tỉ đồng, tăng 42%; chi thường xuyên đạt 455.800 tỉ đồng, tăng 5% và chi trả nợ lãi là 59.300 tỉ đồng, tăng 6%.
Người dân làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Về 2 "đầu tàu" kinh tế của cả nước, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết thu ngân sách của TP 6 tháng đầu năm ước đạt 184.000 tỉ đồng. Con số này ở Hà Nội là gần 120.000 tỉ đồng. TP HCM dự kiến chỉ đạt hơn 98% chỉ tiêu thu ngân sách được giao trong năm 2018 do gặp nhiều khó khăn.
Nửa đầu năm 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP chỉ đạt gần nửa tỉ USD, chưa bằng 50% so với cùng kỳ. Ông Tuyến cũng nêu thực tế TP phải "đón" nhiều đoàn thanh tra chuyên ngành cùng 1 vụ việc (1 vụ việc có 5 đoàn kiểm tra - PV) nên phải đầu tư nhiều thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động chung.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho hay đang gặp khó trong việc thu hút nhà đầu tư do vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch. Địa phương này kiến nghị Bộ Tài chính cho vay 200 tỉ đồng để thực hiện đề án giải phóng mặt bằng KCN, tạo quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư tham gia, từ đó tăng nguồn thu.
Đối với Hải Phòng, thu ngân sách đầu năm đạt 33.000 tỉ đồng nhưng TP ven biển này còn nhiều khó khăn do hạ tầng quá tải, giao thông, hệ thống cảng biển, nhiều nguồn lực chưa được đáp ứng kịp thời.
Lập tổ rà soát tại các địa phương thu ngân sách thấp
Trong 6 tháng đầu năm, 20 địa phương thu ngân sách đạt dưới 50%. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính thành lập tổ rà soát tại các địa phương này để tìm nguyên nhân do dự toán hay do thu yếu kém và đưa ra giải pháp khắc phục.
"Rà soát xem trách nhiệm trung ương thế nào, trách nhiệm địa phương đến đâu. Không thể lấy ngân sách của tỉnh vượt thu đi bù cho tỉnh hụt thu được mà ngân sách trung ương phải có trách nhiệm với các tỉnh hụt thu" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận công tác quản lý thu ngân sách chưa thực sự quyết liệt, nợ thuế cao, giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm và thị trường chứng khoán chưa ổn định trong 6 tháng qua.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý thu ngân sách hơn nữa, chống thất thu, trốn thuế. Theo Phó Thủ tướng, thuế nhà đất vẫn là vấn đề Bộ Tài chính cần nghiên cứu bởi đây là nguồn thu của các địa phương, đồng thời liên quan đến nghĩa vụ của người dân. Dư địa để tăng ngân sách từ số thuế bị thất thu, đặc biệt từ trốn thuế, chuyển giá và nợ đọng, còn rộng hơn rất nhiều.
Đối với thuế nhà, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cả nước thu được 2.900 tỉ đồng nếu đánh thuế với ngưỡng trên 700 triệu đồng và thu 1.500 tỉ đồng nếu lấy ngưỡng một tỉ đồng. Con số này chiếm khá nhỏ trong số nợ đọng thuế hơn 70.000 tỉ đồng hiện tại.
Về chi thường xuyên, Phó Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm các khoản chi như khánh tiết, lễ tân, hội nghị, lễ hội, mua sắm công và đi công tác nước ngoài. Ông Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính siết chặt quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm theo kết quả thanh tra, kiểm toán về chi thường xuyên, trong đó làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu.
Đừng làm méo mó chính sách thuế
Đối với thuế tài sản, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp với thực tế Việt Nam.
"Chúng ta còn đề xuất thêm một số chính sách thuế trên tinh thần cải cách nhưng đừng làm méo mó chính sách thuế. Yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện để trình Chính phủ" - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bình luận (0)