Đến 14 giờ 20 phút ngày 19-10, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy 3 thi thể cán bộ, chiến sĩ cuối cùng trong 22 người thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (đóng tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) gặp nạn do sạt lở núi rạng sáng 18-10. Đã không có phép nhiệm màu nào xảy ra, tất cả các anh đã ra đi mãi mãi, để lại nổi đau, niềm thương tiếc khôn nguôi cho gia đình, đồng đội.
Ông Lê Xuân Năm chết lặng khi hay tin con trai đã ra đi mãi mãi
Tại quê nhà ở xã Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, bố mẹ thượng úy Lê Đức Thiện (SN 1980 - một trong 22 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn) đã khóc cạn nước mắt khi nhận được tin dữ. Cứ mỗi giờ trôi qua, vợ chồng người nông dân này lại trông ngóng, cầu nguyện những điều kỳ diệu sẽ tới với những người gặp nạn, cầu mong con trai trở về nhà an toàn.
Thế nhưng, đến chiều 19-10, tất cả 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp đã được tìm thấy và không có phép nhiệm màu nào xảy ra.
Trong căn nhà cấp 4 đã cũ, bà Trần Thị Tươi (mẹ thượng úy Thiện) không thể gượng dậy nổi. Bà nằm bẹp trên giường, thi thoảng lại gào khóc gọi tên anh Thiện. Ông Lê Xuân Năm (bố thượng úy Thiện) khi biết tin con trai mãi mãi không về, ông bó gối ngồi một chỗ, dù cố tỏ ra điểm tĩnh nhưng mắt đỏ hoe, thỉnh thoảng lại đưa tay lên lau nước mắt.
Bà Trần Thị Tươi khóc cạn nước mắt khi biết tin con gặp nạn
"Lúc nghe chính quyền địa phương thông báo và thông tin từ báo đài, vợ chồng tôi vẫn mong mọi người sẽ bình an. Thế nhưng, hy vọng đã vụt tắt, đứa con ngoan hiền, hiếu thảo của chúng tôi đã mãi mãi không về..."- ông Năm mếu máo.
Theo ông Năm, vợ chồng ông sinh được 5 người con, thượng úy Lê Đức Thiện là con thứ 2. Dù đã 40 tuổi và 21 năm trong quân ngũ (đi lính năm 1999) nhưng cuộc sống của thượng úy Thiện vẫn còn nhiều gian truân. Học hết lớp 12, biết bố mẹ nghèo khó, anh Thiện nhất quyết không thi đại học mà xung phong đi nghĩa vụ để bố mẹ còn nuôi các em. Nhờ miệt mài phấn đấu, anh Thiện sau đó đã được vào chuyên nghiệp.
Đời lính nhiều gian khổ nên mỗi năm thượng úy Thiện chỉ tranh thủ về thăm bố mẹ được vài lần, có năm chỉ một lần. Nhiều cái Tết Thiện không về với bố mẹ, vì anh bảo mình "chưa có gia đình nên tình nguyện ở lại trực thay cho đồng đội có gia đình". Năm nay, anh dự định về quê ăn Tết và còn hứa sẽ tìm cho mẹ một nàng dâu thảo. Nào ngờ, tai họa bất ngờ ập xuống khiến dự định của anh chẳng bao giờ thực hiện được.
Hai bức ảnh về thượng úy Lê Đức Thiện mà gia đình đang lưu giữ
"Lần nào Thiện về nhà hoặc qua các cuộc điện thoại, tôi giục nó lấy vợ nhưng nó chỉ cười rồi bảo con đang tìm. Mới mấy hôm trước, nó còn điện thoại về cho gia đình, nói ít bữa sẽ về thăm bố mẹ. Nó còn hứa Tết này sẽ ăn Tết với bố mẹ, hứa sẽ tìm con dâu cho mẹ. Vậy mà giờ nó về như thế này đây, Tết này nó ở nhà như thế này đây..." - bà Tươi khóc nghẹn khi kể về người con trai vắn số.
Chị Lê Thị Thắm (chị gái thượng úy Lê Đức Thiện) cho biết dù là con thứ nhưng Thiện chẳng khác gì người anh cả trong nhà. Mọi việc lớn bé trong gia đình, lo cho bố lúc ốm đau và 3 đứa em thành người đều 1 tay anh gánh vác. "Giờ đây, khi khó khăn đã vơi đi, em nó cũng muốn vun vén cho hạnh phúc riêng của mình nhưng đã không còn kịp nữa rồi" - chị Thắm nghẹn ngào.
Hiện trường nơi 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 gặp nạn
Ông Trịnh Đức Châu, Chủ tịch UBND xã Định Tăng, cho biết nguyện vọng của gia đình anh Thiện là muốn đưa thi thể anh về an táng tại quê nhà. Địa phương sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tạo mọi điều kiện tốt nhất để gia đình đón anh Thiện về.
Bình luận (0)