Ngày 11-7-1995, Mỹ và Việt Nam chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đến nay, hai bên đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, xác lập quan hệ đối tác toàn diện, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ), tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Thành quả phi thường
Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, những gì mà hai nước đạt được trong 25 năm qua thật sự phi thường. "Giờ đây, chúng ta cơ bản đã vượt qua quá khứ đau thương, trở thành bạn bè và đối tác. Điều đó đạt được là nhờ sự xây dựng niềm tin chiến lược giữa hai bên, khởi đầu từ sự hợp tác về các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh" - Đại sứ Mỹ chia sẻ.
Hai bên đã thực hiện nhiều chuyến thăm cấp cao, thông qua các bản tuyên bố chung quan trọng, các thỏa thuận hợp tác, hình thành các cơ chế, khuôn khổ đối thoại song phương và đa phương. Các lĩnh vực khác như: kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, giáo dục, văn hóa, giao lưu nhân dân, khoa học - công nghệ; từ các lĩnh vực song phương, khu vực cho đến hợp tác trên phạm vi toàn cầu... đều ghi nhận những kết quả vượt bậc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp và hội đàm với Tổng thống Donald Trump vào tháng 2-2019 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Quan hệ an ninh - quốc phòng chứng kiến những bước phát triển vững chắc, không chỉ về giải quyết hậu quả chiến tranh mà còn mở rộng sang công tác đào tạo quân y, hợp tác cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ thảm họa, gìn giữ hòa bình. Lần đầu tiên, chính phủ Mỹ cấp ngân sách qua Bộ Quốc phòng để hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích trong chiến tranh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thăm Việt Nam 3 lần trong 3 năm qua. Hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác an ninh trong các lĩnh vực như chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực phòng chống khủng bố, an ninh mạng, an ninh nguồn nước...
Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, quan hệ Việt Nam - Mỹ không chỉ có ý nghĩa đối với hai nước mà còn đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và tôn trọng luật lệ tại Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai nước đã và đang tích cực phối hợp xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có những vấn đề quan trọng như: biển Đông, Mê Kông, bán đảo Triều Tiên, các diễn đàn ASEAN, Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương, LHQ... Trong năm 2020, mảng hợp tác này càng được thể hiện rõ nét khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và là nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Thúc đẩy các ý tưởng hợp tác mới
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai kế hoạch của hai nước trong năm 2020, hai bên vẫn duy trì đà hợp tác và còn mở rộng sang một số lĩnh vực mới như phòng chống dịch bệnh, cung ứng thiết bị y tế, hình thành chuỗi cung ứng ổn định, hiệu quả... Phía Mỹ đánh giá cao hệ thống y tế cơ sở và công tác phòng chống dịch của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cùng nhiều địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã gửi tặng chính phủ, nhân dân Mỹ, cộng đồng người Việt tại Mỹ đồ bảo hộ, các trang thiết bị y tế. Chính phủ Mỹ đã trợ giúp Việt Nam hơn 10 triệu USD để chống dịch và phục hồi kinh tế. Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố tặng máy thở cho Việt Nam. Đặc biệt, chuyến hàng chở 2 tấn khẩu trang vải kháng khuẩn và khẩu trang y tế do thủ đô Hà Nội tặng TP New York đã tới nước Mỹ ngày 9-7.
"Người ta thường nói rằng trong khó khăn mới biết ai là bạn thực sự. Chúng tôi rất cảm động khi trong thời điểm nước Mỹ chiến đấu với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã tài trợ hàng triệu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế khác. Sự trợ giúp đó đã giúp cứu các mạng sống tại Mỹ. Chúng tôi rất cảm động bởi sự trợ giúp này và cảm ơn các cơ quan chính phủ và người dân vì sự hỗ trợ kịp thời"- Đại sứ Kritenbrink khẳng định.
Đại sứ Hà Kim Ngọc cho rằng còn nhiều dư địa để thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới, như đầu tư, hợp tác giữa các địa phương, khoa học - công nghệ, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, phối hợp xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực…
Ông khẳng định quá trình xây dựng lòng tin sau 25 năm đã đạt bước tiến lớn, tạo cơ sở cho hai bên xem xét, thúc đẩy các ý tưởng hợp tác mới trong thời gian tới, kể cả trong khuôn khổ song phương và đa phương. Đồng thời, 2 nước cần tiếp tục phối hợp xử lý các thách thức do những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung; ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế và giao thương giữa 2 nước; giải quyết một số vấn đề tồn đọng trong quan hệ 2 nước.
Những dấu mốc đáng nhớ
Ngày 3-2-1994: Tổng thống Mỹ Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam.
Ngày 11-7-1995: Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tháng 5-1997: Hai nước trao đổi đại sứ, ông Lê Văn Bàng trở thành Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ và ông Douglas Peterson trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam.
Ngày 13-7-2000: Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Mỹ được ký kết.
Từ ngày 16 đến 19-11-2000: Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam.
Từ ngày 19 đến 25-6-2005: Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Mỹ.
Từ ngày 17 đến 20-11-2006: Tổng thống Mỹ George W. Bush thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2006.
Từ ngày 18 đến 23-6-2007: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Mỹ.
Từ ngày 23 đến 26-6-2008: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Mỹ.
Từ ngày 24 đến 26-7-2013: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Mỹ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama tuyên bố hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Từ ngày 6 đến 10-7-2015: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ, hai nước ra Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Từ ngày 22 đến 24-5-2016: Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Từ ngày 29 đến 31-5-2017: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mỹ.
Từ ngày 11 đến 12-11-2017: Tổng thống Mỹ Donald J. Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
Từ ngày 5 đến 9-3-2018: Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson thăm Việt Nam, tại cảng Đà Nẵng. Đây là tàu sân bay đầu tiên của Mỹ thăm cảng Việt Nam kể từ năm 1975.
Ngày 27-2-2019: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp và hội đàm với Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Donald Trump nhân dịp Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội.
Ngày 6-5-2020: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về hợp tác song phương và phối hợp phòng chống dịch Covid-19.
Quan hệ Việt - Mỹ có thể tiến xa hơn
Khẳng định mối quan hệ giữa quân đội hai nước có lẽ chưa bao giờ gần gũi như vậy, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink cho rằng Mỹ và Việt Nam có thể tiếp tục hợp tác hòa bình, thúc đẩy các quan điểm chung về một giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp, tự do hàng hải và hàng không, bảo đảm tất cả quốc gia tiếp tục có quyền phát triển các tài nguyên thiên nhiên và kinh tế mà họ có quyền hợp pháp.
Mỹ tiếp tục chuyển giao các tàu tuần tra cỡ lớn, xuồng tuần tra Metal Shark cho Việt Nam. Về việc bàn giao các máy bay huấn luyện T-6, hệ thống máy bay không người lái được thiết kế để tăng cường khả năng trinh sát và giám sát lãnh thổ, Đại sứ Mỹ khẳng định Mỹ sẽ bàn giao các thiết bị phù hợp với lộ trình mà hai bên đã thống nhất.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (Mỹ) thăm Đà Nẵng vào tháng 3-2020. (Ảnh do Đại sứ quán Mỹ cung cấp)
Theo tạp chí The Diplomat, đây là thời điểm để Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ song phương. Từ ngày 5 đến 9-3, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã neo đậu tại cảng Đà Nẵng. Đây là lần thứ hai một tàu sân bay Mỹ thực hiện động thái này; lần thứ nhất diễn ra vào năm 2018 khi tàu USS Carl Vinson đến Đà Nẵng. Trước đó, vào năm 2003, tàu khu trục tên lửa hành trình USS Vandegrift trở thành tàu chiến Mỹ đầu tiên viếng thăm Việt Nam trong 30 năm khi neo đậu tại TP HCM. Cùng với những động thái này, việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013 cùng tuyên bố chung vào năm 2017 đã góp phần củng cố hợp tác song phương.
Mặc dù viễn cảnh về một liên minh phòng thủ chung toàn diện vẫn còn xa vời trong môi trường địa chính trị hiện tại, việc vun đắp từ những thành tựu đã đạt được sẽ đưa hai nước đến một mối quan hệ đồng minh bền vững. Một khả năng là thiết lập thỏa thuận hợp tác quốc phòng Việt Nam - Mỹ, tương tự Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) Mỹ - Philippines.
D.Ngọc - C.Lực
Bình luận (0)