Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết vừa có văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị bố trí vốn đầu tư các dự án theo Quyết định 994 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại hành lang bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường sắt.
Tai họa chực chờ
Thông tin từ VNR, cả nước hiện có 5.580 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, nhưng chỉ có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp, có cảnh giới, rào chắn, còn lại hơn 4.000 lối đi dân sinh tự mở trái phép. Ngoài ra, còn có khoảng 14.000 vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt. "70% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) là từ lối đi tự mở và đường ngang dân sinh. Đây là vấn đề cốt lõi và cực kỳ nan giải trong công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt" - ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR, nói.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong tháng 7-2019, tai nạn đường sắt làm 20 người chết, cao hơn 9 người so với tháng 7-2018, cao hơn 11 người so với tháng 6-2019. Còn tính chung 6 tháng đầu năm nay, đường sắt xảy ra 75 vụ TNGT, làm chết 53 người. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, như vào ngày 31-7, tàu SE27 chạy qua Km 1465+810 (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã tông 1 ôtô 16 chỗ đang vượt qua đường sắt, làm 4 người thiệt mạng.
Một vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại ga Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vào tháng 5-2018 Ảnh: NAM TRINH
Những địa phương thường xảy ra tai nạn đường sắt, gồm: Hà Nội (19 vụ); Khánh Hòa (16 vụ); Hải Dương (10); Bắc Giang, Thanh Hóa (9 vụ); Hà Nam, Nghệ An (8 vụ)... Mới đây, Ủy ban ATGT quốc gia đã có công văn gửi Bộ GTVT; UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, triển khai các nhiệm vụ cấp bách bảo đảm trật tự ATGT đường sắt.
Cộng đồng trách nhiệm
Từ thực tế tình trạng TNGT diễn biến phức tạp, mới đây, VNR đã đề ra kế hoạch với mục tiêu đến năm 2025 sẽ xóa bỏ toàn bộ đường ngang dân sinh tự mở nhằm góp phần kéo giảm TNGT đường sắt.
Theo VNR, từ năm 2012, VNR đã triển khai các dự án xây dựng hàng rào, đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở. Tuy nhiên, do thiếu vốn, một số dự án đang thi công phải dừng lại. Năm 2018, Cục Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành lập đề án bảo đảm trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo đề án, Cục Đường sắt đã rà soát, phân loại, sắp xếp, đưa cả danh mục của các dự án đã và đang triển khai thi công dở dang trước đây vì thiếu vốn; kiến nghị xây dựng 673 km đường gom, hàng rào cách ly để đóng 2.983 lối đi tự mở qua đường sắt. VNR kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ bố trí kinh phí nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, đóng hoàn toàn các lối đi tự mở. Kinh phí dự kiến là 2.500 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trung hạn 2020-2025.
Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng Ban An ninh - An toàn đường sắt (VNR), cho biết Luật Đường sắt năm 2017 và Nghị định số 65 của Chính phủ đã phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong việc bảo đảm ATGT đường sắt. Chẳng hạn, việc bảo đảm ATGT chung và ATGT tại các đường ngang hợp pháp là trách nhiệm của ngành đường sắt, còn việc bảo đảm ATGT tại các lối đi tự mở thì thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
"Khó khăn nhất là vấn đề tài chính, tiếp đó phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong quản lý, xử lý các lối đi tự mở. Nếu chính quyền địa phương không kiên quyết, không vào cuộc mạnh mẽ thì rất khó thực hiện" - ông Chiến nêu.
Chưa sát sao trong giám sát
GS-TS Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam, cho biết khó khăn về kinh phí chỉ là một phần, ngoài ra còn do một số địa phương chưa sát sao trong giám sát, xử lý lối đi tự mở. Theo ông Phong, về phía xã hội nhìn nhận vấn đề an toàn đường sắt chưa thỏa đáng, cứ đi được là đi, cứ mở được là mở. Ngành đường sắt có thể xóa hơn 4.000 đường ngang dân sinh đang tồn tại theo kế hoạch đến năm 2025. "Nhưng để những điểm đường ngang đó không bị mở lại, mở thêm và những vị trí nhạy cảm của đường sắt được trả lại sự an toàn thì vai trò của chính quyền cơ sở đặc biệt quan trọng" - ông Phong nói.
Bình luận (0)