Sáng 11-5, trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có ca bệnh Covid-19 sớm nhất. Ngay từ đầu, Việt Nam đã thực hiện chiến lược nhất quán trong công tác phòng chống dịch với nguyên tắc gồm 5 bước: ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị.
Chưa giãn cách xã hội
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, có 4 nguồn lây ở đợt dịch này, bao gồm: Bệnh nhân 2899 ở Hà Nam đã hoàn thành cách ly tại Đà Nẵng và lan ra các tỉnh; các chuyên gia Ấn Độ nhập cảnh cách ly ở Yên Bái; nguồn lây từ bệnh nhân 3051 từ Lào nhập cảnh trái phép về Hải Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Lực lượng chức năng TP Hà Nội phong tỏa khu Park 10, chung cư Park Hill để kiểm soát dịch bệnh .Ảnh: NGÔ NHUNG
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết với những khu vực như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Đà Nẵng chưa rõ nguồn lây đầu tiên. Chính phủ, Bộ Y tế đã yêu cầu xét nghiệm rộng rãi tìm nguồn lây tại các khu vực này. Ở Đà Nẵng, các mẫu dương tính vẫn tập trung tại khu vực vũ trường và thẩm mỹ viện đã được khoanh vùng. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, có giả thiết nguồn lây từ khu vực tầng 6 là nơi điều trị bệnh nhân Covid-19, tức là chưa có nguồn lây từ bên ngoài vào. Nhưng trích xuất camera cho thấy tất cả y - bác sĩ có liên quan khu vực này đều âm tính, như vậy có thể có nguồn lây từ bên ngoài.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rằng hiện chúng ta vẫn thực hiện tốt mục tiêu kép và thực tiễn Việt Nam không những chống dịch tốt mà kinh tế vẫn tăng trưởng. Trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, xuất hiện một số nghi ngại về việc giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng cho biết đến thời điểm này vẫn chưa cần thiết thực hiện. Phương pháp chống dịch đang kế thừa những biện pháp hiệu quả trước đây nhưng tùy từng thời điểm lại có những yêu cầu và đặc thù riêng. Trong thời điểm hiện nay, khi ghi nhận ca bệnh, ca nghi nhiễm thì xét nghiệm nhanh, truy vết nhanh, khẩn cấp xác định các yếu tố để khoanh vùng gọn nhất có thể, bảo đảm mục tiêu kép.
Đề cập vấn đề vắc-xin, Phó Thủ tướng cho biết ngay từ giai đoạn đầu, xác định virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại lâu dài, vắc-xin chống dịch là giải pháp căn cơ. Do đó, Việt Nam đã tìm mọi cách để có nguồn vắc-xin sớm nhất từ nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước để tiêm phòng toàn dân. Mọi người vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đang áp dụng.
Xét nghiệm sàng lọc càng nhiều càng tốt
Theo các chuyên gia dịch tễ, đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam có nhiều thách thức với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Trong 2 tuần qua, số ca mắc mới trong nước tăng nhanh, 10 cơ sở y tế phải cách ly, phong tỏa… từ 4 nguồn dịch này đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố. Tuy vậy, nhờ thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời nên số ca nhiễm mới đều là F1 được cách ly từ trước, nguồn lây ra cộng đồng được ngăn chặn. Có thể trong thời gian tới sẽ ghi nhận thêm một số ca nhưng khoảng 3-5 ngày nữa dự kiến cơ bản kiểm soát được tình hình.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đánh giá chủng virus mới của Ấn Độ xuất hiện tại Việt Nam và có thời gian lây nhiễm rất nhanh. Chỉ trong 1-2 ngày, các trường hợp F1, F2 nhanh chóng thành F0 nên phải hết sức cảnh giác. Với biến chủng mới, Việt Nam vẫn giữ nguyên chiến lược phát hiện sớm, truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch, cách ly, điều trị hiệu quả và thực hiện xét nghiệm. "Các địa phương xét nghiệm sàng lọc càng nhiều càng tốt. Với TP Hà Nội, cần tăng cường công tác xét nghiệm tại sân bay" - ông Phu nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết vấn đề quan trọng hiện nay là phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh. Phải coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phải khẩn trương thực hiện. Do đó, Bộ Y tế thay đổi phương thức và tăng cường xét nghiệm sàng lọc Covid-19, áp dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh; cho phép các cơ sở, đặc biệt những khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người... xét nghiệm thường xuyên. Đối với bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu xét nghiệm kháng nguyên nhanh thường xuyên.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đến nay công suất xét nghiệm của Việt Nam đã tăng 1,7 lần so với thời kỳ cao điểm của đợt dịch Đà Nẵng (tháng 7-2020). Bộ Y tế cùng các lực lượng chức năng liên quan tổ chức tổng rà soát những người nhập cảnh, người tới các cơ sở vui chơi, giải trí trong một tháng qua bằng việc xét nghiệm. "Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định RT-PCR, qua đó tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm" - ông Nguyễn Thanh Long nói.
Một ngày ghi nhận 76 ca mắc Covid-19
Ngày 11-5, Việt Nam ghi nhận 76 ca mắc Covid-19, trong đó 5 ca nhập cảnh và 71 ca mắc trong nước. Trong ngày, Bắc Ninh là địa phương có số ca mắc cao nhất với 34 người, Bắc Giang là 17 ca, số còn lại rải rác ở Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hải Dương, Quảng Trị.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 3.536 ca mắc Covid-19, trong đó 2.098 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 528 ca tại 26 tỉnh, thành phố. Số ca điều trị khỏi là 2.618, tử vong 35 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 67.877 người.
Chuẩn bị tiếp nhận 10.000 người về từ Campuchia
Tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh, trong đó có tình huống khoảng 10.000 kiều bào từ Campuchia về nước. Các khu cách ly dự kiến được thành lập gồm: TP Hồng Ngự, các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười. Đồng thời, tỉnh xây dựng kế hoạch từng kịch bản, từng cấp độ cụ thể: các địa điểm cách ly, công tác khám sàng lọc, điều trị, bệnh viện dã chiến... Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 5 khu cách ly y tế tập trung sẵn sàng tiếp nhận cách ly y tế với số lượng tiếp nhận tối đa khoảng 1.000 người.
T.Minh - H.Tuấn
Bình luận (0)