Liên quan đến 3 cây cổ thụ bị CSGT Thừa Thiên - Huế xử phạt 81,7 triệu đồng, ngày 2-4, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã cử lực lượng kiểm lâm tới hiện trường để kiểm tra nhằm xác minh nguồn gốc, chủng loại những cây "khủng" này. Tuy nhiên, dù có mặt 24/24 giờ tại điểm hạ tải 3 gốc cây từ sáng 1-4 nhưng 2 ngày qua, lực lượng kiểm lâm chưa làm việc được với chủ hàng cũng như chủ doanh nghiệp vận tải.
Cùng ngày, ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cho biết cục đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc, truy tìm nguồn gốc 3 cây cổ thụ. "Đối với cây trong vườn thì chỉ cần xác minh của chính quyền là có thể vận chuyển được. Còn nếu có nguồn gốc từ rừng thì cần phải làm rõ những vấn đề liên quan" - ông Tùng khẳng định.
Trước đó, trên mạng xã hội có nhiều thông tin đoàn xe Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) chở những cây này cho Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, nguyên Phó Cục trưởng Cục CSGT. Tuy nhiên trên báo chí, ông Dánh đã phủ nhận thông tin này. Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động vào sáng 2-4, ông Nguyễn Hải Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn - khẳng định 3 cây cổ thụ được một ngôi chùa ở Hà Nội thuê vận chuyển từ Đắk Lắk.
Ông Y Sy H’Đơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, xác nhận: "Lực lượng kiểm lâm đã xác định vị trí cây gỗ là ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng. Hiện đang giao cho anh em đi xác minh hiện trường, anh em đi rừng về mới xác định được số cây". Ông Y Sy H’Đơk còn khẳng định các cây này có nguồn gốc từ rừng Tam Giang. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm đang khẩn trương xác minh, cụ thể thế nào sẽ báo cáo UBND tỉnh rồi mới trả lời báo chí.
Lực lượng kiểm lâm Thừa Thiên- Huế có mặt tại hiện trường để truy tìm nguồn gốc 3 cây "quái thú. Ảnh: Quang Nhật
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiếp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, thông tin một trong những cây trên là cây đa sộp, cao 14 m, có nguồn gốc trên đất nông nghiệp của gia đình ông Nguyễn Ngọc Chung (ngụ thôn Giang Hà, xã Tam Giang). Theo ông Tiếp, ngày 5-3, ông Chung xin phép UBND xã Tam Giang khai thác cây đa này để tặng một ngôi chùa ở Hà Nội và được UBND xã đồng ý. Còn theo một lãnh đạo xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, cách đây khoảng 2 tuần, một người dân có làm đơn xin khai thác một cây đa trên đất nông nghiệp của gia đình. Sau khi tiếp nhận đơn, xã có ký xác nhận về nguồn gốc cây, đồng thời lực lượng kiểm lâm huyện có xuống kiểm tra.
Liên quan đến vụ việc này, theo tìm hiểu, để ra đến Thừa Thiên - Huế bằng Quốc lộ 1, những chiếc xe chở cây này phải qua nhiều tỉnh, thành. Vậy vì sao các xe này qua mặt nhiều trạm CSGT? Trả lời câu hỏi này, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk nói sẽ rà soát lại. Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình, cũng thông tin đã có chỉ đạo, giao thanh tra giao thông tỉnh kiểm tra và có biện pháp xử lý sai phạm của Công ty Hải Sơn khi chở hàng hóa không đúng với nội dung giấy phép cấp. Còn theo ông Hoàng Thế Anh, Trạm trưởng Trạm Tuần tra Kiểm soát giao thông Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), vụ việc này ông không nghe các cán bộ CSGT thông báo. "Vì xe đi theo Quốc lộ 26 từ Đắk Lắk rồi ra Bắc nên có thể không qua chốt mà anh em làm ở khu vực đèo Rọ Tượng. Nếu phát hiện được chúng tôi xử lý ngay" - ông Anh quả quyết.
Trung tá Võ Văn Thịnh, Trưởng Trạm CSGT Tuy An (quản lý toàn tuyến Quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên), xác nhận cán bộ trạm này không phát hiện được các xe chở các cây gỗ "khủng" nói trên khi qua địa phận Phú Yên. Theo ông Thịnh, những xe chở kiểu này thường có "ra đa" dẫn đường, vì vậy mà không phát hiện (?!).
Bình luận (0)