3,4 tỉ USD nghe qua chỉ là một con số nhưng chúng ta có thể so sánh: Tổng số tiền mà lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước mỗi năm khoảng 3 tỉ USD; Xuất khẩu gạo cả nước trong năm 2017 chỉ khoảng 2,6 tỉ USD. Con số này quả là rất lớn, trong khi quốc gia của chúng ta thì còn nghèo, các nguồn an sinh xã hội vẫn hạn chế.
Uống rượu, bia thì ở đâu cũng có nhưng chẳng ở đâu uống điên cuồng, mờ mịt như ở ta. Sáng mở mắt đã thấy quán nhậu, tối mịt đến quá đêm vẫn còn nhậu. Giàu sụ như các đại gia cũng lê la quán xá. Nghèo rớt mùng tơi không có tiền mua sữa cho con cũng cụng ly tới bến. Nhậu đến độ không dám đến gặp bác sĩ cũng chẳng ngán. Tất nhiên, người uống rượu, bia nào cũng luôn mang trong mình khẩu hiệu "uống rượu, bia có trách nhiệm". Khổ nỗi, sau chục chai thì đường về nhà còn không biết chứ nói gì đến trách nhiệm.
Chẳng thể nào đo đếm hết những tác hại khủng khiếp của việc lạm dụng rượu, bia. Bao gia đình ly tán do nát rượu mà ra, bao tương lai bị vùi lấp bởi rượu, bia; mỗi năm có cả ngàn vụ tai nạn giao thông cũng từ rượu, bia...
Phát biểu tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra dẫn luận, việc chi tiêu cho rượu, bia chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng chi tiêu của hộ nghèo và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghèo đói tăng thêm. Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỉ đồng. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỉ đồng theo GDP năm 2017).
Kỷ lục tiêu thụ rượu, bia của người Việt chẳng có gì đáng vui vẻ bởi sau đó là trùng trùng bi kịch. Muốn giảm tiêu thụ rượu, bia cũng đừng tuyên truyền suông nữa. Những quy định về pháp lý trong lĩnh vực này tuy chưa hoàn thiện nhưng cũng khá đầy đủ. Tăng thuế để hạn chế nhập khẩu và hạn chế người uống; cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi và phạt nặng người bán; phạt nặng người lái xe uống rượu, bia... là những cách đơn giản dễ thực hiện nhưng gần như bị bỏ lửng.
Chúng ta cũng không quá hào hứng với số thu trên rượu, bia khoảng 50.000 tỉ đồng mỗi năm. Số tiền trên quả là có thể làm được nhiều việc nhưng chẳng đủ để giải quyết những hậu quả do bia, rượu mang đến. 50.000 tỉ đồng để đối lấy một thế hệ cả triệu người ngập trong hơi men liệu có đáng? Và sinh mạng bao người chết vì rượu, bia mỗi ngày thì số tiền nào đánh đổi được?
Bình luận (0)