Mở cửa thận trọng nhưng phải tích cực khơi thông dòng chảy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu. Quan trọng hơn vẫn là bảo đảm kết nối cung - cầu. Hàng hóa lưu thông không chỉ là lương thực, thực phẩm mà còn là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, nông sản đầu ra cho bà con nông dân, hợp tác xã.
Tích cực chuẩn bị, thúc đẩy sản xuất trong điều kiện có thể được để sớm trở lại trạng thái bình thường mới là mệnh lệnh nhưng phải an toàn, không thể quá nôn nóng và buông lỏng. Mục tiêu kép phải được cụ thể hóa trong tình hình mới với "4 then chốt" để mở cửa các hoạt động và kết nối cung - cầu.
Một là, phải tiếp cận vùng, liên kết vùng và giải quyết theo vùng hiệu quả. TP HCM làm điểm kết nối vùng miền Đông - miền Tây Nam Bộ với 19 tỉnh, thành và 36 triệu dân. Các đứt gãy chuỗi cung ứng, tắc nghẽn luồng xanh xảy ra thời gian qua do địa phương tự quy định riêng cản trở liên kết vùng. Cách tiếp cận mới trong phòng chống dịch trước tình hình mới là xem xét lại hiệu quả của các biện pháp để tăng hiệu quả, vẫn bảo đảm an toàn nhưng tăng hiệu quả kinh tế - xã hội hơn là các biện pháp cứng nhắc thái quá.
Hai là, lấy khoa học - công nghệ làm công cụ để tiếp cận, ứng phó, xử lý vấn đề và chủ động khơi thông điểm nghẽn. Cần chọn TP HCM và 18 tỉnh, thành làm vùng ưu tiên để tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc-xin, tăng nhanh số người được tiêm mũi 2 nhằm sớm đạt đến độ che phủ vùng an toàn.
Cần phát triển các ứng dụng trực tuyến, công nghệ số, bản đồ số dịch tễ (vùng xanh, vàng, cam, đỏ) cảnh báo, thay cho các loại giấy đi đường nặng nề thủ tục, gây cản trở. Dòng chảy "luồng xanh liên kết vùng" cũng như các khâu kiểm tra, giám sát khác cần được ứng dụng công nghệ nhiều hơn và sớm nhất có thể để thay thế các phương thức thủ công. Cần tiêu chuẩn hóa, sửa nhanh lỗi và sớm "tích hợp dùng chung" các ứng dụng trực tuyến cùng với việc vận hành hiệu quả các tiện ích của hệ thống thông tin, dữ liệu điện tử về dịch tễ với hàng hóa.
Ba là, cơ chế vận hành kết nối cung - cầu an toàn, thông suốt cần được bảo đảm. Phải có "bộ tiêu chí" ưu tiên, các địa phương thống nhất các vấn đề có tính nguyên tắc, không lạm quyền đặt ra các quy định riêng ảnh hưởng đến vấn đề chung như lưu thông hàng hóa, dịch chuyển dân cư, lây lan dịch bệnh. Các vấn đề khác cần phân công, phân vai rõ ràng và phối hợp thực hiện. Các cấp quản lý cần rà soát tổng thể, quy trách nhiệm rõ ràng từ người đứng đầu đến cán bộ phụ trách. Cần cá biệt hóa trách nhiệm cá nhân trong thời gian thực hiện giãn cách làm cơ sở cho triển khai nhiệm vụ tiếp theo.
Thứ tư, cùng với tăng tốc tiêm vắc-xin cho người dân, doanh nghiệp rất cần nhà nước và ngân hàng trợ lực bằng những liều "vắc-xin chính sách" để duy trì sản xuất, chống chọi dịch bệnh, bảo đảm mục tiêu kép trước mắt và tạo đà cho việc phục hồi sau dịch, trở lại trạng thái bình thường mới.
Bình luận (0)