Theo phản ánh của người dân xóm 2, xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình từ nhiều tháng nay, tuyến đường bê-tông trên địa bàn xã sau khi được đầu tư mở rộng, bỗng "mọc" ra một hàng cột điện giữa đường và vô tình trở thành những cái "bẫy" cho người dân mỗi khi đi qua.
Hàng chục cây cột điện "mọc" giữa đường vô tình "bẫy" người đi đường
Thực tế tai đây cho thấy, dọc con đường bê-tông vừa được làm mới, khang trang có tới khoảng 40 cột điện đứng chình ình ngay giữa đường. Những cây cột điện này dạng trụ tròn có, vuông có, thậm chí có nhiều cây đã nghiêng, gãy chân lòi cả sắt thép bên trong.
Ông Hà Văn Sen (SN 1939; ngụ xóm 2, xã Khánh Thủy) cho biết những cột điện này trước đây đứng bên đường, nhưng từ năm 2020, khi con đường bê-tông được mở rộng, chúng trở thành đứng giữa đường. "Có rất nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, khi người dân đi vào ban đêm không để ý đã đâm vào cột điện. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị địa phương di chuyển cột điện khỏi đường nhưng vẫn chưa thấy di dời" - ông Sen nói.
Cả tuyến có tới hơn 40 chiếc cột điện mọc ngay trên đường
Có những cây cột đã gãy, hư hỏng như thế này
Được biết, việc mở rộng tuyến đường trên nằm trong dự án "Xây dựng hệ thống cống kiểm soát ngăn mặn và nâng cấp đê Dưỡng Điềm, kết hợp nâng cấp bờ sông thành đường cứu hộ cứu nạn, chống xâm nhập mặn phục vụ phòng chống lụt bão tại huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn, Ninh Bình". Dự án do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình (gọi tắt Ban QLDA phát triển nông thôn Ninh Bình) làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2020.
Dự án được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt từ tháng 10-2018 tại Quyết định số 1386 với tổng mức đầu tư trên 93,7 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu là trên 80,2 tỉ đồng và vốn từ ngân sách tỉnh là 13,5 tỉ đồng.
Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do nhiều người từ nơi khác tới
Theo quyết định, tuyến đường qua địa bàn xã Khánh Thủy thuộc bờ tả sông Dưỡng Điềm được nâng cấp thành tuyến đường cứu hộ, cứu nạn theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng với tổng chiều dài trên 6 km, rộng 9 m. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên dẫn tới việc chậm tiến độ thi công.
Theo lãnh Ban QLDA phát triển nông thôn Ninh Bình, việc giải phóng mặt bằng và di dời cột điện do UBND huyện Yên Khánh thực hiện. Tuy chủ đầu tư nhiều lần đốc thúc nhưng huyện này vẫn chưa di dời nên mới có chuyện cột điện "mọc" giữa đường.
Người dân đã phản ánh nhiều lần nhưng cột điện vẫn chưa được di dời
Ông Phạm Ngọc Thịnh, Ban QLDA phát triển nông thôn Ninh Bình, cho biết trước mắt để đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân cũng như các phương tiện tham gia giao thông, chủ đầu tư đã yêu cầu phía đơn vị thi công tiến hành lắp biển báo và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cho người dân qua lại.
Bình luận (0)